Hiệp định EVFTA là một trong những kết quả thành công và cụ thể nhất cho mối quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam. (Nguồn: CT) |
Một năm sau khi thực thi (từ 1/8/2020), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA đã đem lại những “trái ngọt” ban đầu và đó là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam-EU trong thời gian tới.
EVFTA là 1 trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam. Đặc biệt, đây là FTA có tiêu chuẩn cao, toàn diện, mức độ cam kết sâu, rộng nhưng vẫn đảm bảo lợi ích cân bằng giữa hai bên và được đánh giá góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam cả về kinh tế, pháp luật và thể chế.
Hàng Việt tăng khả năng cạnh tranh
Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Thương mại Hiệp định EVFTA diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis đã đánh giá cao việc triển khai có hiệu quả EVFTA sau gần một năm Hiệp định có hiệu lực.
Hơn nữa, EVFTA là một trong những kết quả thành công và cụ thể nhất cho mối quan hệ hợp tác giữa EU và Việt Nam. Thương mại giữa hai bên đã tăng rất đáng kể trong những năm qua và tiếp tục phát triển theo xu hướng tích cực…
Ông Valdis Dombrovskis nhấn mạnh: "Hiệp định này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy những giá trị về xã hội cho cả hai bên khi thực hiện những cam kết trong EVFTA".
Chia sẻ thêm về Hiệp định này, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng: Việc Việt Nam tham gia vào một trong những FTA như EVFTA với một đối tác lớn như EU đã tạo ra nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều lĩnh vực tiềm năng đi kèm với mức độ áp dụng công nghệ cao vào những lĩnh vực đó.
Thống kê từ Bộ Công Thương, sau 1 năm thực thi, trao đổi thương mại song phương giữa hai bên đã có những tăng trưởng tích cực.
Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020 khi Hiệp định chưa có hiệu lực. Trong đó, xuất khẩu tăng 18,3%, đạt 19,4 tỷ USD và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 19,1%, đạt 8,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép; dệt may; rau quả; thuỷ sản; gạo; cà phê…
Ở chiều ngược lại, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ EU là linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc các loại, hàng điện gia dụng và linh kiện, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.
Trên thực tế, chỉ 5 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng lưu ý, từ 1/8/2020 đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyển cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Những con số tăng trưởng xuất khẩu sang EU là minh chứng cho sự khai thác hiệu quả các thị trường theo EVFTA của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hệ thống Thương vụ tại nước ngoài đã nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, kịp thời thông tin để các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.
Đáng lưu ý, EVFTA tiếp tục được tận dụng hiệu quả khi ngày 7/6, lô vải thiều Thanh Hà, Hải Dương đầu tiên đã được xuất sang châu Âu theo Hiệp định.
Tiếp đó, ngày 12/6, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Lô hàng này đã được hưởng lợi thế về ưu đãi thuế quan từ EVFTA.
Theo ông Vũ Anh Sơn - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt hơn một năm qua và đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, đơn hàng vải thiều tới Pháp đã xóa bỏ những nghi ngờ về năng lực cung cấp của Việt Nam, khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Vải thiều Thanh Hà, Hải Dương được xuất khẩu sang châu Âu theo EVFTA. (Nguồn: VTC) |
Với việc EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nông sản Việt cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam dường như đang được tiếp sức để tăng khả năng cạnh tranh, khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế.
Cơ hội để Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng
Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, thách thức của EVFTA đã và đang tạo sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 39 bộ chỉ dẫn địa lý được công nhận bảo hộ tại EU mà không phải qua thủ tục đăng ký, mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tiếp cận thị trường.
Riêng ngành dệt may, các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư mới cho sản xuất sợi - dệt vải chiếm tỷ lệ nội địa hóa cao. Nhiều vùng sản xuất nguyên liệu đã được mở ra với quy mô lớn vượt trội.
Doanh nghiệp cũng dần chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu sang các thị trường có FTA với EU, đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ cộng gộp mà EVFTA đưa ra như Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã có những chỉ đạo sát sao tới các Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Âu tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sẵn sàng đương đầu với những thách thức để tìm hướng đi mới, nâng tầm cho nông sản Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ cũng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cách xử lý, thực hiện và rà soát về mặt kỹ thuật khi có yêu cầu về kiểm tra, xác minh xuất xứ từ phía EU; thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra, xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất của doanh nghiệp để đảm bảo việc thực hiện quy tắc xuất xứ, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ.
Ông Lương Hoàng Thái cho biết thêm, Hiệp định EVFTA là 1 trong những hiệp định cao nhất đối với Việt Nam và các nước trong khu vực. Đặc biệt, Việt Nam đang ở trình độ phát triển chưa cao, không có nhiều kinh nghiệm để học hỏi nên quá trình thực hiện hiệp định chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, tại Kỳ họp lần thứ 1 Ủy ban thương mại Hiệp định EVFTA được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Cao ủy Thương mại EU đã thống nhất quy chế làm việc để xử lý và đáp ứng nhanh nhất những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi, nhất là vấn đề tạo ra rào cản đối với thương mại, đầu tư của cả 2 bên.
Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, để luồng lưu chuyển hàng hóa giữa 2 bên, đặc biệt liên quan đến xử lý dịch bệnh như vaccine, thuốc chữa bệnh, vật phẩm y tế, có thể thông suốt, phía Việt Nam; trong đó, có Bộ Y tế, Bộ Công Thương đã cam kết giải quyết vấn đề này. Đây cũng là lĩnh vực mà EU đánh giá cao trong việc thực thi hiệp định.
Với những nỗ lực như vậy, ông Lương Hoàng Thái tin tưởng, Việt Nam từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thuận lợi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và tạo đà cho việc thực thi các FTA đạt hiệu quả cao nhất.