📞

Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn Độ: Rộng đường

08:57 | 25/07/2008
Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội Ấn Độ, có tính chất quyết định số phận của Chính phủ nước này cũng như Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự Ấn Độ - Mỹ, được cho là cuộc bỏ phiếu khó phỏng đoán kết quả nhất. Vì thế nên sự căng thẳng vẫn kéo dài tới phút chót, đem lại sự may mắn cho Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh.

Sự khác biệt không lớn giữa số phiếu phản đối (256 phiếu) và số phiếu ủng hộ (275 phiếu) cho thấy đây là một chiến thắng không hề dễ dàng của Chính phủ do đảng Quốc đại đứng đầu. Trước khi kết quả bỏ phiếu được công bố đã diễn ra một cuộc tranh cãi gay gắt trong Quốc hội xung quanh những cáo buộc của phe đối lập rằng liên minh cầm quyền đã chi nhiều khoản tiền hối lộ để đảm bảo giành thắng lợi. Song với tuyên bố chính thức về kết quả bỏ phiếu của Chủ tịch Quốc hội Somnath Chatterjee ngày 22/7, Đảng cầm quyền đã có được “danh chính ngôn thuận” để điều hành đất nước.

 

Điều này cũng có nghĩa là Thủ tướng M.Singh tiếp tục tiến trình theo đuổi Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự mà ông từng ký với Tổng thống Mỹ G.Bush năm 2005 – vốn cũng là lý do khiến Quốc hội phải tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ, sau khi liên minh các đảng cánh tả rút lui sự ủng hộ đối với Chính phủ nhằm phản đối Hiệp định.

 

Thủ tướng M.Singh luôn kiên trì theo đuổi Hiệp định hạt nhân dân sự Mỹ - Ấn Độ, bất chấp mọi áp lực phản đối. Ông cho rằng Hiệp định này là cần thiết trong bối cảnh trữ lượng than đá của Ấn Độ đang cạn kiệt và nước này đang phải nhập khẩu tới 75% nhu cầu năng lượng. Theo Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Ấn Độ, điện hạt nhân hiện chiếm chưa tới 3% sản lượng điện của nước này và Chính phủ cho rằng Ấn Độ cần thay đổi trong bối cảnh giá dầu mỏ tăng cao để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế vào khoảng 9%. Chủ tịch đảng Quốc đại, bà Sonia Gandhi kêu gọi dân chúng ủng hộ hiệp ước hạt nhân với Mỹ. Phát biểu tại cuộc mít tinh 5 ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu mang tính sống còn, bà Sonia cho biết “Hiệp ước này là tốt nhất cho Ấn Độ và các thế hệ mai sau”.

 

Hiệp định về hợp tác hạt nhân dân sự là trọng tâm của quan hệ đối tác chiến lược giữa Mỹ và Ấn Độ. Theo đó, Ấn Độ sẽ mở cửa các lò phản ứng hạt nhân cho thanh sát của LHQ để đổi lại nhiên liệu và công nghệ hạt nhân, điều mà trước đây New Dehli không có được vì không phải là thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Tuy nhiên, thỏa thuận về Hiệp định này chỉ có thể tiến triển nếu Ấn Độ ký Thỏa thuận Bảo vệ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Ngoài ra, Ấn Độ còn cần phải có sự cho phép của Nhóm Các nước Cung cấp Hạt nhân (NSG), gồm 45 nước xuất khẩu nhiên liệu và công nghệ hạt nhân trong đó có Mỹ, do NSG quy định cấm các thành viên không trao đổi nhiên liệu và công nghệ hạt nhân với các nước không ký NPT.

 

Thanh Ngân