Chiều 16/1, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình”. Sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2023).
Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà (ở giữa) cùng các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày. (Ảnh: Lê An) |
Khắc hoạ mốc son chói lọi trong lịch sử
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà khẳng định trưng bày được tổ chức nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn về bối cảnh, diễn biến Hội nghị Paris và ý nghĩa của việc ký kết Hiệp định đối với Việt Nam và thế giới.
Qua đó, khẳng định trí tuệ, sự lãnh đạo đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng trong từng giai đoạn đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược; khẳng định bản lĩnh, tính chủ động, lập trường cương quyết, đường lối thương thuyết khéo léo của phái đoàn ta trong suốt quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Paris.
Theo ông Vũ Mạnh Hà, Hiệp định Paris là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam ở thế kỷ XX.
Đây cũng là dịp tôn vinh các thành viên Phái đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân đã làm nên thành công của hội nghị cũng như quá trình thi hành Hiệp định.
Đồng thời, trưng bày cũng góp phần tri ân bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã cổ vũ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý.
Đông đảo khách tham quan không gian trưng bày trong ngày khai mạc. (Ảnh: Lê An) |
Với nội dung gồm ba phần: Vạch đường tới hòa bình, Mở cánh cửa hòa bình và Tiến tới hòa bình, trưng bày được sinh động qua hình ảnh, tư liệu và hiện vật giúp công chúng hiểu rõ hơn ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với cách mạng Việt Nam và tiến trình để đi đến hòa bình của đất nước ta.
Sự kiện này là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam, từ đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.
Câu chuyện từ những hiện vật quý
Đặc biệt, trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình” còn giới thiệu những hiện vật độc bản, nguyên gốc có giá trị về nhiều mặt hiện đang được lưu giữ tại bảo tàng Hồ Chí Minh.
Điển hình như câu chuyện về bốn chiếc bút ký hiệp định Paris ngày 27/1/1973, đang được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được ông Lê Đức Thọ, ông Nguyễn Duy Trinh và bà Nguyễn Thị Bình sử dụng. Những chiếc bút này đã được họ mang về nước và trao lại cho Văn phòng Trung ương Đảng.
Ngày 20/2/1986, Văn phòng Trung ương đã bàn giao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để bảo quản và phát huy giá trị lâu dài. Bốn chiếc bút đều giống hệt nhau về hình dáng, kích thước và màu sắc.
Đây đều là bút dạ, vỏ bằng nhựa đen do Đức sản xuất, nhãn hiệu Papeterie, nắp cài bằng kim loại trắng, ngoài vỏ khắc tiếng Việt “Bút ký Hiệp định Paris ngày 27/01/1973” tình trạng hiện vật bút đã hơi cũ.
Chia sẻ cảm xúc khi ký Hiệp định Paris, bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Bộ Trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, sau này là Phó Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho biết: “Khi đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí ngã xuống - những người không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, mắt tôi bỗng nhòe ướt.
Nhiều hiện vật quý được giới thiệu tại trưng bày. (Ảnh: Lê An) |
Trong cuộc đời tôi, đây là vinh dự rất lớn vì được thay mặt nhân dân, các chiến sĩ cách mạng để đấu tranh trực diện với kẻ thù xâm lược ngay tại Paris được đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng sau 18 năm cả nước tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh gian khổ... Đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi”.
Hiệp định được ký kết đã mở ra cánh cửa hòa bình cho đất nước ta sau nhiều năm chiến tranh ác liệt. Bên cạnh đó, những chiếc bút ký hiệp định Paris năm 1973 thực sự đã trở thành bằng chứng lịch sử cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Bút hiện đang được bảo quản và giới thiệu đến đông đảo công chúng tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, còn có câu chuyện về bộ chén của ông Henry Kissinger tặng ông Lê Đức Thọ năm 1973. Năm 1973, Henry Kissinger được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao thứ 56 của Mỹ và dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia các cuộc đàm phán với ông Lê Đức Thọ - “cố vấn đặc biệt”của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris.
Kể từ khi hội nghị bắt đầu đi vào đối thoại thực chất và đến lúc ký kết hiệp định năm 1973 ông Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ đã có nhiều cuộc gặp gỡ cả trong hội nghị lẫn bên lề hội nghị.
Trong cuộc đàm phán với ông Lê Đức Thọ, đã có lúc Henry Kissinger phải thốt lên: “Tôi có thể làm tốt hơn nếu như đối diện trên bàn đàm phán không phải là ông Lê Đức Thọ, đàm phán với ông Thọ quả là cân não”.
Với bản lĩnh của một nhà chính trị già dặn, bằng tài trí, sự khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo trong từng phương án cụ thể, ông Lê Đức Thọ đã thực hiện phương châm kiên trì đấu tranh, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Ông là người góp phần to lớn vào việc buộc Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trong cuộc gặp gỡ, trao đổi bên lề hội nghị năm 1973 ông Henry Kissinger đã tặng ông Lê Đức Thọ quà kỷ niệm là bộ chén (ly). Sau này ông Lê Đức Thọ đã tặng lại bộ chén (ly) này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để bảo quản và phát huy giá trị hiện vật lâu dài.
Trưng bày chuyên đề được tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến đầu tháng 5/2023. (Ảnh: Lê An) |
Bộ chén của ông Henry Kissinger tặng ông Lê Đức Thọ năm 1973 bao gồm: 1 hộp đựng, trong đó có 6 chén. Về chất liệu, hộp đựng chén được làm bằng giấy bìa cứng bọc vải màu xanh, vải lót trong đã bạc màu. Về kích thước, hộp đựng dài 29 cm, rộng: 19,8 cm, cao: 10,4 cm. 6 chén có tay cầm, chất liệu bằng kim loại, chén xỉn màu.
Đây là hiện vật gốc, độc bản cùng với những tài liệu hiện vật khác được trưng bày và giới thiệu tại trưng bày chuyên đề “Hiệp định Paris – Cánh cửa hòa bình” là bằng chứng lịch sử cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Bộ chén tặng phẩm này đang được bảo quản và giới thiệu đến đông đảo công chúng tham quan tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.