Từ bà nội trợ đến..dịch giả văn họcLần đầu tiên tôi phỏng vấn Hiệu, như gương một phụ nữ Việt xa xứ điển hình trong việc giúp các con mình dung hoà hai nền văn hoá Việt – Pháp, vừa được Đài phát thanh Pháp cũng phỏng vấn cách đó không lâu. Hai đứa nhỏ - Bin và Hoàng Hà tung tăng trong phòng thu âm, nhưng vẫn nhút nhát khi đứng trước cái micro, thỏ thẻ bằng tiếng Việt rằng chúng rất thích những món ăn của mẹ chúng, và thích Tết cũng vì …những món ăn mẹ nấu. Từng tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ Hà Nội khoa tiếng Pháp, tình cờ quen một chàng kỹ sư người Pháp, sau đó Hiệu trở thành bà Constant, và có hai đứa con xinh đẹp. Bin – Valentin thường là một trong số học sinh đứng đầu lớp. Hoàng Hà - Clotilde rất xinh xắn, hát hay và yêu nghệ thuật. Claude Constant chồng chị là kỹ sư trong một tập đoàn công nghiệp lớn của Pháp, tham gia vào nhiều công trình nổi tiếng, đã được Bộ Công nghiệp Pháp trao tặng huy chương bạc vì sự nghiệp phát triển công nghiệp của đất nước. Cuộc sống hàng ngày của Hiệu là chăm sóc gia đình và kèm các con học bài tiếng Pháp, dạy tiếng Việt cho hai con. Còn gì mơ ước hơn nữa? Câu trả lời cuối cùng, Hiệu buột nói: “Tôi không chỉ mong các con giỏi tiếng Việt, mà tôi sẽ còn cố gắng để thật giỏi tiếng Pháp. Khi đọc truyện cho các con nghe, đôi khi phải giải thích bằng tiếng Pháp, tôi nghĩ sao mình không đưa những tác phẩm văn học Pháp – Việt mà tôi yêu thích đến với độc giả của cả hai nước. Trước hết là từ tiếng Pháp qua tiếng Việt, rồi ngược lại, và biết đâu đấy…viết tác phẩm của chính mình bằng tiếng Pháp.” Tôi đã chúc chị đạt được ước mơ của mình, dù câu nói ấy, tôi cũng đã được nghe từ nhiều người. Ai chẳng có những ước mơ cho riêng mình và mong muốn nó thành hiện thực, dẫu từ mơ ước đến hiện thực còn là cả một chặng đường rất dài bởi những trở ngại tự thân hay khách quan. Nhưng Hiệu cho thấy ngay, chị không bao giờ là mẫu người ngồi mơ ước suông. Chỉ vài tháng sau, Hiệu báo tin: chị đã hoàn thành việc dịch cuốn tiểu thuyết đầu tiên mà chị rất yêu thích, có tên Nỗi niềm - tiểu thuyết được giải Goncourt năm 1998, của nhà văn Paule Constant. Cuốn sách được NXB Hội nhà văn ấn hành ngay sau đó. Một “thương hiệu”đại diện thương thảo bản quyềnChỉ trong khoảng chừng năm năm, bà nội trợ hôm nào đã cho ra mắt gần hai mươi đầu sách dịch qua bút danh “Hiệu Constant”, cùng với nhiều đầu sách đã mua bản quyền, đang trên bàn chờ dịch. Chị lựa chọn sách để dịch ở nhiều thể loại khác nhau, nhưng vẫn có tiêu chí chung: Sách văn học là những tác phẩm hay, từng đoạt những giải thưởng lớn của văn học Pháp như giải Goncourt hay giải Renaudot, hoặc của các tác giả đã đoạt giải thưởng ấy. Và một loại khác nữa, Hiệu dịch không vì nó sẽ ăn khách, mà chị muốn chia sẻ với những người đọc có chung mối quan tâm với chị: Những chính trị gia nổi tiếng của Pháp hay thế giới. Ngoài ra chị còn dịch một số truyện ngắn đăng trong các tạp chí, với bút danh Hoàng Hà. Hiệu bảo: “Khi chọn dịch một cuốn sách nào đó thì chí ít bạn phải ít nhiều tâm đắc với nó. Dịch giả muốn dịch tốt thì phải thấm nhuần những tư tưởng của tác giả, phải hiểu được điều ông ta muốn nói, phải yêu những điều họ viết ra…” Vì những nỗ lực không ngừng ấy, năm 2008 Hiệu là khách mời danh dự trong Ngày hội sách ở thành phố Bages, miền Nam nước Pháp. Chuyện viết văn, tưởng Hiệu ước mơ thế thôi, nhưng cũng chỉ giữa năm này, cuốn tiểu thuyết “Côn trùng” đã ra mắt bạn đọc trong nước, với tên thật: Lê Thị Hiệu. Hiệu cho biết, Đại sứ quán Pháp tại các nước rất quan tâm đến vấn đề bản quyền của các tác giả, hiếm có một cuốn sách nào vi phạm bản quyền mà họ lại không biết. Còn ở Việt Nam, nhiều nhà xuất bản vẫn gặp khó khăn về vấn đề này. Chị dành thời gian đọc rất nhiều sách Pháp để có thể giới thiệu các đầu sách hay cho các nhà xuất bản trong nước, giúp họ thương thảo bản quyền với các nhà xuất bản bên Pháp. 27 tuổi mới rời Việt Nam đến Pháp, nên chị biết các độc giả trong nước có nhu cầu đọc những gì. Bằng những nỗ lực riêng, chị cố gắng trở thành một người đại diện thương thảo về bản quyền các tác phẩm của Pháp được dịch ra tiếng Việt, một cách hệ thống và mang tính chuyên nghiệp cao. Đó cũng không phải là một khát vọng phía trước, mà đã có và sẽ còn nhiều tác phẩm mà Hiệu Constant thương thảo bản quyền cho các đồng nghiệp khác dịch. Tham gia hiệu đính cho một số tác phẩm của các dịch giả khác, cũng như tham gia viết báo…Tất cả mọi việc làm sau giờ chăm sóc gia đình, con cái, trong những đêm nối đêm thức trắng. Thời gian quả là eo hẹp để chị có thể thực hiện hết những công việc như vậy! Những thành quả Hiệu Constant đạt được như trái ngọt của một người yêu lao động. Và dám đi đến cùng những khát vọng của mình.Theo LĐXH