"H7N9" là tên gọi một loại virus cúm gây ra trên gia cầm. (Ảnh minh họa). |
A/H7N9 là gì?
"H7N9" là cách gọi một loại virus cúm gây ra trên gia cầm, có nhiều chủng loại khác nhau của virus H7N9 như nhiều loại cúm A khác. Bắt đầu từ cuối tháng 3/2013, Trung Quốc báo cáo về ca nhiễm bệnh trên người đầu tiên của một chủng virus H7N9 hoàn toàn mới, đến nay chính thức ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm bệnh và tử vong tại Trung Quốc.
H7N9 lây truyền thế nào?
Người mắc virus cúm thường là sau khi tiếp xúc gần với gia cầm nhiễm bệnh (cả sống và chết) hoặc tiếp xúc với môi trường chứa virus cúm gia cầm. Virus cúm có nhiều trong cá thể bị bệnh, ví dụ trong phân và nước dãi của gia cầm bệnh. Nếu ai đó chạm vào gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc môi trường chứa virus, rồi sau đó chạm vào mắt, mũi hay miệng, họ có thể bị nhiễm virus. Có một số nghiên cứu cho thấy bệnh có thể lây nhiễm qua đường không khí, chẳng hạn khi một cá thể gia cầm bị nhiễm bệnh để lại virus trong không khí, bạn cũng có thể bị lây nhiễm nếu bạn hít phải virus trong không khí. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng về việc lây nhiễm từ người qua người của căn bệnh này.
Triệu chứng là gì?
Triệu chứng ban đầu của bệnh thường là sốt cao và ho. Nhiều trường hợp đã tiến triển thành các triệu chứng nghiêm trọng, như viêm phổi nặng, hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS), sốc nhiễm trùng và suy đa cơ quan dẫn đến tử vong.
Có thuốc phòng ngừa virus cúm A/H7N9?
Hiện chưa có vaccine phòng ngừa virus cúm A/H7N9. Trung Quốc tuyên bố để sản xuất vaccine phòng chống virus cúm gia cầm H7N9 mất ít nhất 7 tháng.
Nguy cơ cho Việt Nam?
Hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm bệnh nào tại Việt Nam. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán gia cầm tại các khu vực biên giới để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch cúm A/H7N9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) đã tiến hành xét nghiệm hơn 500 mẫu gia cầm thu thập được tại các trọng điểm buôn bán gia cầm ở biên giới, tuy nhiên, tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus cúm A/H7N9.
Trà My
Phòng chống cúm A/H7N9 như thế nào? Mặc dù nguyên nhân gây bệnh và phương thức truyền nhiễm chưa được xác định rõ ràng, để bảo vệ bản thân chúng ta nên thực hiện những biện pháp sau để phòng tránh bệnh dịch. Vệ sinh cá nhân (tay và đường hô hấp): Rửa tay bằng xà phòng hoặc các loại nước rửa tay có tác dụng kháng khuẩn trong suốt quá trình chuẩn bị thức ăn; trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi xử lý động vật và chất thải động vật, khi bàn tay của bạn không được vệ sinh hoặc khi chăm sóc người bệnh. Vệ sinh tay cũng sẽ phòng tránh lây nhiễm cho chính mình (chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm) và lây nhiễm cho người. Bộ Y tế chưa khuyến cáo người dân phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc, nhưng khuyên người dân hạn chế tiếp xúc, giao lưu với những người ốm do các nguyên nhân cúm. Cần tránh tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm ốm, chết. Không sử dụng các loại gia cầm ốm, chết, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Với gia cầm ốm, chết phải chôn thật sâu kèm theo hóa chất sát khuẩn (vôi bột, cloraminB). Phải chôn xa nguồn nước, xa khu dân cư, trường học, công sở. Người chăn nuôi và buôn bán gia cầm nên rửa tay sạch bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm và giết mổ chúng. Các loại dụng cụ dùng giết mổ, chế biến thịt gia cầm cần vệ sinh và sát khuẩn bằng cách rửa xà phòng và khử trùng bằng nước sôi. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.
Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
|