📞

Hiệu quả kép cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng

11:31 | 11/10/2017
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Sau 8 năm thực hiện, Cuộc vận động không còn dừng lại ở những câu khẩu hiệu mà đã tác động thực sự sâu sắc đến thói quen của người tiêu dùng.

Có thể nói hiện nay, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước. Điều này đã tạo ra hiệu quả kép cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động theo Thông báo Kết luận số 264-TB/TƯ, ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

hàng Việt Nam ngày càng khẳng định được chất lượng, mẫu mã cũng như thương hiệu. (Nguồn: Vietnamnet)

Đến nay, sau 8 năm thực hiện, Cuộc vận động đã hình thành một phong trào mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân cả nước, đã tạo ra xu hướng lựa chọn tiêu dùng hàng Việt Nam.

Từ chỗ người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng trong nước. Lý do là bởi, hàng Việt Nam ngày càng khẳng định được chất lượng, mẫu mã cũng như thương hiệu của mình.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, có khoảng 92% người tiêu dùng được hỏi cho rằng họ rất quan tâm tới cuộc vận động; 63% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè nên mua hàng Việt Nam. Hàng Việt hiện đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối tại hơn 9.000 điểm bình ổn thị trường.

Trước sức lan tỏa ngày càng lớn từ cuộc vận động, các địa phương học nhau, doanh nghiệp áp dụng cách làm của nhau và hiện nay, hàng hóa Việt không chỉ vào được các siêu thị, chiếm tỷ lệ cao mà còn vào được chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa sâu trong khu dân cư. Theo thống kê, hàng Việt tại chợ truyền thống chiếm 60 - 80%. Tại một số hệ thống siêu thị hiện nay có tới 90% hàng hóa là hàng Việt Nam với nhiều thương hiệu như Vinamilk, TH true Milk, Thiên Long, Việt Tiến, Hữu Nghị…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động vẫn còn một số khó khăn cần phải được khắc phục trong thời gian tiếp theo, như: Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn khó kiểm soát trên thị trường. Một số hàng hóa Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng và giá cả.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng nên hiệu quả xúc tiến thương mại chưa cao. Công tác quản lý nhà nước của một số cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường còn chưa được thường xuyên.

Doanh nghiệp thay đổi để thắng ngay trên “sân nhà”

Thực tế cho thấy, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đã nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện Cuộc vận động; đồng thời xác định Cuộc vận động là cơ hội để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.

Để Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam lan tỏa hơn nữa, doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi. (Nguồn: SGGP)

Xác định có được thành công trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như thời gian qua đã khó, nhưng giữ được niềm tin của người tiêu dùng sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp một cách bền vững còn khó khăn hơn. Để làm được điều này, theo lãnh đạo Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex cho rằng, nhờ cuộc vận động, người Việt Nam đã có xu hướng thay đổi, doanh nghiệp Việt Nam đã có những nhận thức về vấn đề này.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Tập đoàn Polyco: Để lan tỏa hơn nữa, doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi. “Làm sao để khách hàng chấp nhận? Đó là dựa vào chất lượng sản phẩm mình sản xuất ra. Khi đó bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm không thua kém với sản phẩm nước ngoài và giá thành chỉ bằng một nửa”.

Còn theo lãnh đạo Tổng Công ty Cổ phần May 10, người Việt Nam rất tinh tế trong việc tiếp nhận những sản phẩm thời trang. Muốn chinh phục thị trường quốc tế trước hết phải làm chủ cuộc chơi ngay trên sân nhà bằng loại vải tốt nhất, loại chỉ tốt nhất, công nghệ mới nhất để phục vụ người tiêu dùng Việt.

Vừa qua, tại lễ khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, cuộc vận động đạt được hiệu quả kép là vừa khuyến khích tiềm năng kinh doanh của doanh nghiệp Việt, vừa tạo được ý thức, thói quen của người dân trong mua sắm, lựa chọn hàng Việt.

Được biết hiện nay, Bộ Công Thương đang tập trung vào các nội dung để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ngay tại thị trường nội địa. Trước hết, đó là việc cải cách các thủ tục hành chính để giảm bớt các điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. 

Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” là một trong những hoạt động thường niên được Bộ Công Thương tổ chức, nhằm mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng đến mọi đối tượng để người tiêu dùng nhận thức đúng chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu và nhận diện hàng Việt; tạo chuyển biến về nhận thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa của người tiêu dùng Việt Nam.
(theo TTXVN, Bộ Công Thương)