📞

Hiểu sâu hơn về vai trò và vị trí của Pháp ngữ trong sự phát triển của Việt Nam

An Lê 06:09 | 04/12/2020
Ngày 3/12, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), báo Le Courrier du Vietnam (Thông tấn xã Việt Nam) với sự hỗ trợ của OIF, tổ chức Hội thảo 'Tăng cường truyền thông về Pháp ngữ và các cơ hội hợp tác' tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả là đại diện OIF, Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF), Bộ Ngoại giao Việt Nam, Viện quốc tế Pháp ngữ có trụ sở tại Lyon (Pháp)… cùng một số đại diện các cơ quan truyền thông Việt Nam. Đây chính là dịp để hiểu sâu hơn về cộng đồng Pháp ngữ cũng như vai trò, vị thế và triển vọng phát triển của Việt Nam trong cộng đồng này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận tập trung vào một số vấn đề như: Lịch sử phát triển của OIF; AUF và các chương trình đào tạo; hợp tác kinh tế trong Cộng đồng Pháp ngữ cùng cơ hội và thách thức với Việt Nam; Pháp ngữ và tiếng Pháp trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; hoạt động của OIF trong lĩnh vực báo chí…

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về phương hướng hành động nhằm tiếp cận thông tin Pháp ngữ và hợp tác giữa các cơ quan truyền thông.

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: An Lê)

Tăng cường truyền thông

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Lê Quốc Minh nhấn mạnh, sự kiện không chỉ nhằm mục đích tôn vinh cộng đồng các quốc gia, lãnh thổ, các tổ chức và thể chế sử dụng tiếng Pháp, mà còn góp phần giới thiệu để báo chí trong nước hiểu thêm về vai trò và hoạt động của tổ chức quốc tế này, cũng như sự tham gia của Việt Nam với tư cách là thành viên đầy đủ và có trách nhiệm.

"Hội thảo cũng góp phần tăng cường sự đoàn kết của các đối tác Pháp ngữ tại Việt Nam, khẳng định sự năng động của các đơn vị làm báo bằng tiếng Pháp của TTXVN và đặc biệt là báo Le Courrier du Vietnam cũng như vai trò của Văn phòng khu vực Châu Á - Thái Bình của OIF trong việc nâng cao vị thế, uy tín ở Việt Nam và trong khu vực", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng Giám đốc TTXVN, là cơ quan thông tin chính thức của Nhà nước Việt Nam, TTXVN có nhiều nhà báo nói tiếng Pháp và có các ấn phẩm bằng tiếng Pháp, có thể nói là lớn nhất ở Việt Nam, với hơn 50 các nhà báo Pháp ngữ hiện đang làm việc trong Tiểu ban tiếng Pháp - Ban biên tập Tin Đối ngoại, các phiên bản tiếng Pháp của Báo ảnh Việt Nam, Việt Nam Plus, các bản tin tiếng Pháp và chuyên đề “Không gian Pháp ngữ" phát trên kênh Truyền hình Thông tấn - Vnews và đặc biệt là tuần báo tiếng Pháp duy nhất của Việt nam, Le Courrier du Vietnam.

Các đơn vị sản xuất thông tin này hiện đang đóng vai trò chủ đạo và là cầu nối quan trọng giữa Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ. Đồng thời khẳng định sự ủng hộ của TTXVN trong việc phát triển Pháp ngữ ở Việt Nam, tạo điều kiện để các đơn vị thông tin bằng tiếng Pháp của TTXVN hoàn thành nhiệm vụ quan trọng của mình.

Trình bày sâu hơn về sự phát triển cũng như những khó khăn của báo chí Pháp ngữ tại Việt Nam, bà Nguyễn Thu Hà, Tổng Biên tập Báo Le Courrier du Vietnam hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm của của Nhà nước, sự ủng hộ và hợp tác của các đối tác Pháp ngữ, đặc biệt là OIF, báo chí Pháp ngữ ở Việt Nam tiếp tục giữ vững vai trò và vị thế của mình.

Pháp ngữ và những cơ hội

Tại Hội thảo, ông Chékou Oussouman, Trưởng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của OIF, cho biết OIF được thành lập vào năm 1970, hiện có 88 nước thành viên, trong đó có 27 quan sát viên, hiện diện ở khắp 5 châu lục trên thế giới. Với 1,2 tỉ người, cộng đồng Pháp ngữ chiếm 16% dân số thế giới và 16,5% tổng tài sản được tạo ra trên toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1986 và từ đó diễn ra hai năm một lần.

Ông Chékou Oussouman nhấn mạnh các mục tiêu của OIF là thúc đấy sự phát triển của tiếng Pháp, sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ cũng như các nền văn hóa khác nhau được thể hiện trên khắp các lãnh thổ của Cộng đồng Pháp ngữ. Và ước tính có 300 triệu người nói tiếng Pháp trên khắp năm châu lục. Tại Việt Nam, có khoảng 600.000 người nói tiếng Pháp.

Trưởng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của OIF cũng cho rằng từ mối liên kết của ngôn ngữ trong phát triển hợp tác chính trị, giáo dục, kinh tế và văn hóa giữa các quốc gia thành viên, tổ chức này hoạt động nhằm phục vụ lợi ích của người dân, thúc đẩy sự phát triển của tiếng Pháp, tôn trọng sự đa dạng văn hóa, bảo vệ nhân quyền và hướng tới hòa bình. Thực tế là OIF đang triển khai các chương trình hỗ trợ cho văn nghệ sĩ và những người sáng tạo nghệ thuật nhằm phổ biến tốt hơn các tác phẩm của họ trên toàn thế giới và tiếp cận khán giả quốc tế.

Nói về những triển vọng và những cơ hội việc làm cho người học Pháo ngữ, Giáo sư Jean-Marc Lavest, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) cho rằng ngoài việc đào tạo kiến thức, ngay trên ghế nhà trường cần phải trang bị những hiểu biết về thị trường lao động, kỹ năng phỏng vấn xin việc và các kỹ năng mềm khác cho học sinh, sinh viên.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tìm kiếm công việc sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, theo giáo sư Jean-Marc Lavest, Pháp ngữ cũng có ưu thế đặc biệt như rèn luyện cho người học khả năng tu duy, lập luận phân tích, mở ra nhiều cánh cửa văn hóa trong một cộng đồng của sự gắn kết và chia sẻ.

Giáo sư Jean-Marc Lavest và ông Chékou Oussouman tại Hội thảo. (Ảnh: An Lê)

Gia nhập OIF từ năm 1970, Việt Nam đã có nhiều sáng kiến ​​thúc đẩy hợp tác và tăng cường đối thoại giữa các nước thành viên trong cộng đồng. Tháng 11/1997, Hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 7 được tổ chức tại Hà Nội. Bởi vậy, Đại sứ Đinh Toàn Thắng, Đại diện quốc gia Việt Nam bên cạnh OIF cho rằng, hội thảo là cơ hội tốt để trao đổi về các giải pháp, ý tưởng cụ thể để hợp tác Pháp ngữ ngày càng có hiệu quả.

Phát biểu tại đây, ông Đinh Toàn Thắng cho biết các nước Pháp ngữ tại châu Phi đang là đối tác quan trọng và Việt Nam đã xuất khẩu gạo, đồ gia dụng, sắt thép và sản phẩm dệt may sang Senegal, Ghana, Togo và Benin. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ quan tâm thúc đẩy các dự án hợp tác ba bên (OIF, nước tài trợ, nước thụ hưởng) với các nước châu Phi trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, viễn thông, hạ tầng. Cụ thể, Việt Nam sẽ thúc đẩy xuất khẩu sắn và hạt điều thô sang một số nước châu Phi.

“Việt Nam tiếp tục coi Pháp ngữ là một diễn đàn quan trọng để triển khai đường lối đối ngoại theo chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế và chủ động tích cực hội nhập toàn cầu; đồng thời, Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng Pháp ngữ và có đóng góp để phát huy vai trò là cửa ngõ của Pháp ngữ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, ông Đinh Toàn Thắng khẳng định.