📞

“Hiệu ứng Trump” trong vấn đề chống biến đổi khí hậu

17:53 | 19/12/2016
Thái độ của Tổng thống đắc cử Trump sẽ tạo ra một hiệu ứng các nước khác sẽ viện cớ Mỹ không thực hiện một cách nghiêm túc các cam kết cắt giảm phát thải khí, nên họ cũng sẽ không thực hiện.

Đánh mất cơ hội

Cách đây một năm, khi cả thế giới còn hân hoan chào đón Hiệp ước Paris về chống biến đổi khí hậu được ký kết, ít ai dám nghĩ rằng chỉ một năm sau, thỏa thuận lịch sử này đang phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu. Khi đó, cũng không ai tiên đoán được rằng một nhân vật nổi tiếng trên truyền hình thực tế và công khai hoài nghi về thỏa thuận này, chỉ còn một tháng nữa là sẽ chính thức bước vào Nhà Trắng, trở thành vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Myles Allen, người đứng đầu chương trình nghiên cứu khí hậu tại Viện Biến đổi Môi trường thuộc Đại học Oxford, nhận định: “Hiệp định Paris sớm muộn cũng sẽ gặp nhiều thách thức. Có điều là thách thức đó đã đến quá sớm so với dự kiến của hầu hết mọi người”. 

Tuy nhiên, bất chấp việc ông Trump trong chiến dịch tranh cử của mình đã tuyên bố sẽ “dỡ bỏ” hiệp ước mà 196 nước thành viên ký kết này, vẫn có những lý do để tin rằng vị tổng thống đắc cử sẽ không nỗ lực để làm trệch hướng thỏa thuận đó, hoặc có thể ông sẽ bị thất bại trong nỗ lực này.

Các nhà lãnh đạo thông qua Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại Pháp. (Nguồn: UN News Center)

Kế hoạch hành động tổng thể đầu tiên nhằm hạn chế tình trạng Trái đất ấm dần lên có hiệu lực từ tháng trước đã được Mỹ và 116 quốc gia khác thông qua. Nỗ lực rút khỏi tiến trình thực tế phải mất ít nhất là 4 năm. Michael Oppenheimer, giảng viên về các vấn đề quốc tế của trường Đại học Princeton, nhận định: “Việc một nước công khai rút lui khỏi thỏa thuận này sẽ phải trả một cái giá khá lớn, cả về mặt chính trị lẫn kinh tế”.    Nếu nước Mỹ quay lưng với sự chuyển đổi sang năng lượng sạch trên toàn cầu, cái giá lớn nhất mà họ phải trả là đánh mất cơ hội của mình. Năm 2015, nhiên liệu hóa thạch có thể tái sinh trên toàn cầu đã lần đầu tiên thu hút sự đầu tư, và vượt qua than đá giàu cacbon trong sản xuất điện năng. Ông Trump có thể thấy rằng những lựa chọn của mình đối với nước Mỹ cũng khá hạn chế. 

Ở trong nước, ông từng đe dọa sẽ phá vỡ Kế hoạch Năng lượng sạch của Tổng thống Barack Obama, làm suy yếu Ủy ban Bảo vệ Môi trường, và loại bỏ các quy định đang được áp dụng nhằm hạn chế sự phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ở Mỹ. Theo Hiệp định Paris, Washington đã cam kết từ nay đến năm 2025 sẽ cắt giảm phát thải 26-28% khí cacbon của Mỹ so với giai đoạn năm 2005. Trên thực tế, lượng khí cacbon mà Mỹ phát thải trong những năm qua cũng đã giảm bớt, mặc dù với tốc độ khá chậm. 

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các nhân tố quyết định không phải là chính phủ liên bang mà là thị trường và từng bang riêng rẽ. William Sweet, một chuyên gia về năng lượng tại Trường Công nghệ Tandon thuộc Đại học New York, nhận định: “Ông Trump sẽ có rất ít ảnh hưởng đối với các xu thế trong nền công nghiệp năng lượng Mỹ, nơi mà than đá đang nhanh chóng bị thay thế bằng các loại khí đốt tự nhiên và nhiên liệu tái sinh”. Cũng như nhiều chuyên gia khác, William Sweet cho rằng việc đổ tiền vào các nhà máy điện mới vận hành bằng than đá, một lĩnh vực mà ông Trump đã tuyên bố sẽ khôi phục lại, sẽ không có giá trị kinh tế tích cực. 

Không chiến thắng cuộc chạy đua

Mặc dù vậy, sức ép của thị trường vẫn là không đủ để chiến thắng trong cuộc chạy đua nhằm hạn chế sự nóng lên của toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C, bởi hiện nay, việc nhiệt độ tăng lên thêm 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đã khiến tình trạng bão lũ, hạn hán, cháy rừng và ngập lụt gia tăng.

Hiện nay, việc nhiệt độ tăng lên thêm 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đã khiến tình trạng bão lũ, hạn hán, cháy rừng và ngập lụt gia tăng. (Nguồn: AP)

Hơn nữa, hầu hết các kịch bản bảo vệ khí hậu mà các nhà khoa học đưa ra đều phụ thuộc vào các công nghệ loại bỏ thành phần cacbon trong không khí mà thậm chí cho đến nay còn chưa tồn tại. Vì vậy, những ý đồ chính trị ở cấp quốc gia hay toàn cầu, vẫn sẽ mang tính quyết định đối với tiến trình hiện nay. Chuyên gia Thomas Spencer, thuộc Viện nghiên cứu vì sự Phát triển bền vững và các Mối quan hệ Quốc tế tại Paris, nhận định: “Sẽ là một nguy cơ thực sự nếu hiệp ước này không có một vị trí lãnh đạo. Hội nghị G-20 vào tháng 7 tới tại Hamburg, Đức, sẽ đưa ra gợi ý đầu tiên để xem liệu Đức, hay Trung Quốc, hay một nước nào đó có thể thế vào chỗ trống nếu như Mỹ thực sự rút khỏi hiệp ước này”. 

Một chính quyền thù địch, hoặc đơn giản là thờ ơ với hành động chống biến đổi khí hậu này, đều có thể tạo ra sự chia rẽ trong nỗ lực ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu đầy nguy hiểm. Tại Mỹ, ngành công nghiệp ô tô đã bày tỏ rằng họ sẽ cố gằng "pha loãng" tiêu chuẩn nhiên liệu trong thời gian tới, mặc dù các quy tắc nghiêm ngặt về việc hạn chế rò rỉ khí metan trong ngành công ngiệp khí đốt dường như đã không còn hiệu lực. Ngay cả khi ông Trump không “trở mặt” với thỏa thuận khí hậu này, “thì chúng ta vẫn có khả năng phải chứng kiến một sự suy giảm của tiến trình này so với những gì có thể diễn ra nếu bà Clinton thắng cử”, chuyên gia Oppenheimer nhận xét. 

Trên bình diện quốc tế, thái độ của Tổng thống đắc cử Trump cũng sẽ tạo ra một hiệu ứng các nước khác có thể viện cớ Mỹ không thực hiện một cách nghiêm túc các cam kết cắt giảm phát thải khí, nên họ cũng có thể không thực hiện.

(theo AP)