Tại Kuwait, sau chiến thắng của bốn phụ nữ trong cuộc bầu cử nghị viện, một số người theo đạo Hồi đã cố gắng ngăn chặn hai người trong số đó ngồi vào ghế nghị viện với lý do họ không dùng Hijab. Sau một trận chiến pháp lý, tòa án hiến pháp của nước này đã phán quyết rằng những người phụ nữ ấy không bắt buộc phải mặc những trang phục Hồi giáo. Tại Sudan, đầu tháng 9/2009, nữ phóng viên Lubna Hussein đã bị tội "không đoan chính" vì... mặc quần. Vụ việc đã gây xôn xao dư luận thế giới. Các nhà hoạt động vì quyền lợi phụ nữ cho rằng, những quy định về trang phục của nữ giới còn hết sức mơ hồ, thậm chí là quá khắt khe và vô lý.
Sự lan rộng của truyền hình vệ tinh tôn giáo cùng với phong trào di cư đến Vùng Vịnh đã giúp nhập khẩu Nurqa (trang phục Hồi giáo che kín người và mặt) và Niqab vào các nước Ảrập - nơi mà trước đây những trang phục như vậy được bảo tồn bởi một số ít người.
Ai Cập là trung tâm của cuộc tranh luận về Niqab. Gần đây, Niqab ngày càng phổ biến tại nước này. Cuộc tranh cãi về việc sử dụng khăn trùm đầu đã bị chính trị hóa, với một vài quan điểm cho rằng số lượng ngày càng nhiều phụ nữ chọn Hijab hay Niqab để mặc như là một dấu hiệu cho thấy sự ảnh hưởng đang tăng lên của tôn giáo. Các doanh nhân, các vị Bộ trưởng đã bị lôi kéo vào cuộc tranh luận này khi doanh nhân thành đạt Naguib Sawiris và Bộ trưởng Văn hóa Ai Cập Farouk Hosni báo động về sự phổ biến của những chiếc khăn trùm đầu.
Niqab đã trở thành một vấn đề "nóng" giữa các quan chức Ai Cập và các sinh viên đại học. Vừa qua, một tòa án Cairo đã ủng hộ quyết định của Chính phủ trong việc cấm các sinh viên tham gia kỳ thi đại học trong khi mặc Niqab. Chính phủ giải thích rằng lệnh cấm nhằm ngăn chặn các sinh viên, cả nam lẫn nữ, giả mạo một người nào khác hoặc che giấu "phao" trong người. Một luật sư chống lại lệnh cấm này đã nói trên kênh truyền hình Al-Jazeera rằng quyết định của Chính phủ "buộc phụ nữ phô bày một phần thân thể. Họ không muốn điều đó. Đó là sự hạ nhục nhân phẩm". Những người phản đối cũng cho rằng, lệnh cấm xâm phạm những nhu cầu quan trọng của tự do cá nhân.
Tuy nhiên, có những tình huống mà sự che kín khuôn mặt đặt ra câu hỏi về nhận dạng và an ninh. Ở các nước như Saudi Arabia, nơi phần lớn phụ nữ mặc niqab ở công sở hay những nơi công cộng, có một vài tình huống mà phụ nữ cần bỏ mạng che mặt trước sự hiện diện của đàn ông vì nhu cầu nhận dạng. Tại sân bay, có một phòng chuyên dụng - nơi mà phụ nữ bỏ mạng che mặt cho các nữ nhân viên an ninh và việc kiểm tra được kiểm soát bởi những phụ nữ khác trong các hội trường chỉ có phụ nữ. Ở đây, một điều rõ ràng là, luật pháp phải dàn xếp tốt giữa sự suy xét về gian lận và tự do cá nhân.
Tiến Minh(Theo Guardian)