Phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gọi chiến lược ngoại giao của Việt Nam là “Ngoại giao cây tre”. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Chính sách quốc tế của Việt Nam càng trở nên thú vị hơn trong bối cảnh hiện nay bởi liên quan đến một quốc gia với những nét đặc sắc độc đáo trong khu vực, bên cạnh mối liên hệ đặc biệt với Pháp do lịch sử tạo dựng. Đặc sắc bởi chính lịch sử của một quốc gia và một dân tộc đã hun đúc nên một bản sắc độc đáo. Đặc sắc bởi vị trí tại Đông Nam Á, tựa lưng vào lục địa, mặt hướng ra biển trong một khu vực địa lý, chiến lược và ngày nay đang là ngã tư của sự phát triển kinh tế thế giới.
Chúng tôi quan tâm theo dõi sát chính sách mà Việt Nam gọi là ngoại giao tích cực để đối mặt với sự phức tạp đó được triển khai trên cơ sở những nguyên tắc nào, vì những mục tiêu gì, với tầm nhìn ra sao để “nhất quán” với chính sách cải cách của công cuộc Đổi Mới.
Nhìn vào lịch sử cũng như cách thức, quá trình hình thành nên bản sắc và lợi ích quốc gia chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của các khái niệm hòa bình, chủ nghĩa đa phương, gắn với luật pháp và các thể chế cũng như luật pháp quốc tế trong định vị mang tính chiến lược.
Cũng như “đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân” kết hợp như thế nào trong các điều kiện hiện nay theo quan điểm mà Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát triển thêm như nội dung trong Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đối ngoại tổ chức tháng 12/2021.
Ngoại giao cây tre: vững về nguyên tắc, linh hoạt trong triển khai
Trong Phát biểu, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã gọi chiến lược ngoại giao của Việt Nam là “Ngoại giao cây tre”.
Ở phương Tây, cây tre được biết đến chủ yếu về tính chất dẻo dai. Đó chưa phải là đặc tính tốt nhất. Nhưng tính chất dẻo dai này là một sức mạnh, với một thân cây vững chắc và rễ bám sâu. Sử dụng hình ảnh này để đánh giá tổng quát, chúng ta càng thấy ví von này là phù hợp với năng lực phát triển đất nước, gắn liền với chính sách mở cửa “đón gió biển”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc với chủ đề “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2006 là một bước đi mang tính quyết định trong chiến lược hội nhập kinh tế thế giới, phù hợp với chính sách cải cách, như Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu có hiệu lực năm 2020. Ngoại giao cây tre chính là yếu tố then chốt giải quyết các thách thức của quá trình cởi mở này. Nó minh họa cho các nguyên tắc định hướng hoạt động ngoại giao. Nó dựa trên kinh nghiệm từ tài thao lược của Hồ Chí minh vào năm 1945, năm 1954 với Hiệp định Geneve, năm 1973 với Hiệp định Paris, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh và đàm phán. Nó được chính danh hóa bởi khả năng và nhiệm vụ phải thích ứng với hoàn cảnh cụ thể để không bị ảnh hưởng, để dự báo và để không đánh mất mục tiêu giải phóng dân tộc và cách mạng.
Hình ảnh cây tre giúp hiểu rõ hơn về sức mạnh không chỉ để kháng cự mà còn để chủ động trong một môi trường bất ổn và khó lường như chúng ta đang trải qua. Sự kết hợp khéo léo giữa kiên quyết về nguyên tắc và linh hoạt, mềm dẻo trong triển khai và đàm phán định ra một khuôn khổ hài hòa cởi mở để “đón gió biển” nhằm thu được mọi lợi ích có thể có và vẫn kiểm soát được các lựa chọn phát triển đã được đặt ra. Theo hướng này, với các đặc điểm của Việt Nam phù hợp với điều kiện trong nước và hội nhập quốc tế, ngoại giao cây tre đáng được quan tâm và chú ý.