📞

Hình ảnh nước Chủ tịch ASEAN 2020 chủ động 'hợp tác và thích ứng'

06:48 | 14/04/2020
TGVN. Chia sẻ với TG&VN sau khi Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19 kết thúc tốt đẹp, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho rằng, với những yếu tố không thể lường trước, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động, linh hoạt trong thích ứng và tăng cường hợp tác.
Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thưa ông, ngày 14/4, hai Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19 đã kết thúc tốt đẹp, thể hiện cam kết chính trị ở cấp cao nhất về đoàn kết và hợp tác trong khối cũng như với các đối tác nhằm chiến thắng đại dịch. Ông đánh giá như thế nào về thành công của Hội nghị lần này?

Đại dịch Covid-19 là chưa từng có, lan rộng, không có ranh giới và biên giới, ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia, không phân biệt nước giàu hay nghèo. Chính vì vậy, ASEAN và ASEAN+3 họp Hội nghị Cấp cao vào lúc này, thời điểm dịch bệnh đang diễn biến vô cùng phức tạp là rất cần thiết, thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam và các nước trong khu vực.

Mặt khác, thực tế thời gian qua cũng cho thấy, nhiều nước đang chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch bệnh. Vì vậy, hợp tác, phối hợp tiếp tục là câu chuyện cấp bách và quan trọng. Phòng chống dịch còn cần sự phối hợp giữa các nước về nhiều mặt, trên nhiều kênh, như về đi lại, công dân, thương mại, vật tư, rồi đến hậu dịch bệnh, khôi phục hợp tác, liên kết, phát triển kinh tế…

Nếu các nước không có giải pháp đồng bộ thì dịch bệnh rất dễ tái diễn. Vì vậy, tôi cho rằng, hợp tác khu vực ASEAN và ASEAN+3 có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã và đang đứng trước thách thức vô cùng lớn, khi dịch bệnh buộc đa phần các nước trong và ngoài khu vực phải đóng cửa biên giới, cả đường bộ và đường không, thực hiện cách ly xã hội.

Thế nhưng, trong bối cảnh đó, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 là một nỗ lực rất lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của nước Chủ tịch.

Thực tế, Việt Nam đã có sự chuẩn bị dài hơi, từ suốt năm 2019 trước khi bước vào Năm Chủ tịch ASEAN 2020 - một năm với chủ để “Gắn kết và chủ động thích ứng”, gồm 5 ưu tiên bao quát các nhiệm vụ trọng tâm nhất của khu vực.

Mặc dù vậy, khi đại dịch ập đến, Việt Nam đã rất chủ động, trao đổi trong và ngoài khu vực, kịp thời ứng phó với tình trạng khẩn cấp nảy sinh - thể hiện trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã làm rất tốt, chủ động và trách nhiệm.

Nếu về kinh nghiệm đối phó bệnh dịch của ASEAN gần đây nhất, có thể kể đến dịch SARS năm 2003, nhưng tốc độ, mức độ lây lan không thể so với lần này. Chưa bao giờ hầu hết các nước lại phải đóng cửa, cách ly xã hội như bây giờ.

Thời điểm 2003, đã có những hội nghị về hợp tác ASEAN và ASEAN với đối tác về phòng chống dịch SARS. Các hội nghị vẫn tổ chức họp như truyền thống và ở vào giai đoạn sau của dịch bệnh.

Còn các hội nghị về Covid-19 lần này, tình hình dịch bệnh bắt buộc các nước phải họp bằng trực tuyến. Điều này cho thấy tính cấp bách của vấn đề, khi khu vực còn đang ở ngay đỉnh điểm tâm dịch; đồng thời thể hiện sự chủ động, tận dụng qua công nghệ thông tin. Cách làm hết sức kịp thời và cần thiết, rất đáng quý. Có cái có thể vận kinh nghiệm trước đây, nhưng rõ ràng lần này khác rất khác và chưa từng có.

Sự chủ động và linh hoạt đó của Việt Nam đã được thể hiện cụ thể như thế nào trong những tháng "sống chung" với dịch Covid-19, thưa ông?

Khi bắt đầu xuất hiện dịch bệnh, không chỉ kịp thời ứng phó ở cấp quốc gia, Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, đã có cảnh báo, trao đổi và phối hợp với các nước ASEAN một cách chủ động và từ rất sớm, thúc đẩy đoàn kết, chia sẻ thông tin, hợp tác phòng chống dịch bệnh.

Ngày 14/2, Chủ tịch ASEAN ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch Covid-19. Từ đó, các cấp và các kênh trong Cộng đồng ASEAN đã được vận hành và đẩy mạnh, bao gồm các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế, Y tế và các cấp chuyên môn đều đã tích cực phối hợp, các Bộ trưởng cũng đã ra các Tuyên bố nêu lên các hành động chung trong lĩnh vực của mình để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Việt Nam cũng đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại, kể cả bằng trực tuyến, trong ASEAN và với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Mỹ, các tổ chức quốc tế nhằm cùng nhau ngăn chặn và sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.

Như vậy, trong khủng hoảng Covid-19, khi tình hình có những thay đổi từng ngày, Việt Nam đã chủ động trên các kênh để hợp tác phòng chống dịch bệnh.

Bằng trách nhiệm quốc gia, Việt Nam đã quyết liệt ngay từ sớm, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đối với dịch bệnh Covid-19, Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm có thể chia sẻ, dù rằng, trước dịch bệnh, mỗi nước có cách tiếp cận mỗi khác tùy theo điều kiện của mình.

Trong khi vừa quyết liệt chống dịch trong nước, Việt Nam cũng luôn trách nhiệm trong chia sẻ thông tin, chung tay khu vực và quốc tế, hỗ trợ lẫn nhau về vật tư, thiết bị y tế, khẩu trang, quần áo bảo hộ...

Việt Nam đã giúp Lào, Campuchia, Myanmar, rồi hỗ trợ, cung cấp vật tư y tế cả cho các nước đối tác, ngoài khu vực như Trung Quốc, EU, Mỹ, Nga… Điều này thể hiện rõ nét tinh thần tương hỗ lẫn nhau giữa các quốc gia.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với dịch Covid-19. (Ảnh: BC)

Theo ông, dịch bệnh Covid-19 – một yếu tố không thể lường trước có tác động như thế nào tới cả năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam?

Việt Nam đã chủ động và chuẩn bị rất kỹ cho công tác Chủ tịch ASEAN 2020, dựa trên chủ đề chung “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Nay, chúng ta cùng ASEAN và khu vực vừa phải ưu tiên cho nhiệm vụ cấp bách là dập dịch, vừa không quên các ưu tiên chung, các thách thức chung đặt ra trước ASEAN, từ xây dựng cộng đồng, phát triển kinh tế, đến hòa bình an ninh, thay đổi của địa chính trị toàn cầu hay cạnh tranh nước lớn, rồi về hội nhập khu vực, phát triển quan hệ với các đối tác…

Kịp thời, cấp bách ứng phó đại dịch, khi nó ập đến, ảnh hưởng mọi mặt, kể cả sinh mạng con người, thì buộc phải tập trung trước hết vào phòng chống dịch, cũng là thể hiện tính “chủ động thích ứng” của ASEAN.

Việt Nam đã làm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN, ở cả hai vai là như vậy, bao gồm cả việc kip thời ứng phó với vấn đề không ai có thể ngờ tới.

Hội nghị đặc biệt lần này đã đưa ra những chỉ hướng quan trọng giữa ASEAN và ASEAN với các đối tác trong việc dập dịch bệnh hiện nay cũng hợp tác ra khỏi và hậu dịch bệnh Covid-19.

Mặt khác, chúng ta cũng tích cực chuẩn bị cho cuối tháng 6, khi sẽ họp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36. Chắc chắn rằng, đây sẽ là dịp để lãnh đạo các nước ASEAN vừa bàn các ưu tiên của năm ASEAN 2020, vừa tiếp tục câu chuyện ứng phó với dịch Covid-19 và hậu đại dịch.

Tin chắc rằng, từ hội nghị cấp cao đặc biệt này, các nước ASEAN và đối tác sẽ càng tiếp tục phối hợp hiệu quả về các mặt trong phòng chống và sớm kết thúc dịch bệnh. Điều muốn nhấn mạnh thêm, đó là phòng chống dịch không chỉ về y tế mà còn nhiều lĩnh vực khác, như các vấn đề nhân đạo và phát triển bền vững, những lĩnh vực quan trọng hơn trong xây dựng cộng đồng ASEAN.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, mô hình họp trực tuyến đã trở nên khá phổ biến, với cả nhiều khu vực trên thế giới, ông đánh giá như thế nào về mô hình họp này đối với ASEAN?

Giữa đại dịch mà dòng chảy hợp tác, phối hợp trong ASEAN vẫn được bảo đảm liên tục như vậy là điều rất quan trọng. Có lẽ chưa có một năm Chủ tịch ASEAN nào trong lịch sử của ASEAN mà chỉ trong 4 tháng, như từ đầu năm đến nay, lại có nhiều cuộc họp trực tuyến đến như vậy như năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Những cuộc họp trực tuyến đã thể hiện được tính hiệu quả trong những trường hợp khẩn cấp, biên giới đóng cửa mà các nước vẫn có thể phối hợp được với nhau. Mỗi nước đều bạn rộn với những câu chuyện “trong nhà” nhưng phối hợp khu vực vẫn luôn là điều không thể thiếu, do vậy cần phát huy cao độ tiềm năng của họp trực tuyến.

Tôi cho rằng, trong các mô hình họp của ASEAN sau này, cũng có những lúc cần kết hợp họp trực tuyến và họp truyền thống, bao gồm cả cấp chuyên viên và cấp cao. Đương nhiên, cung cách của ASEAN (ASEAN way) cũng đòi hỏi có tiếp xúc cá nhân và cần những cuộc họp truyền thống.

Ngoài ra, nhiều cuộc họp của ASEAN có thể cân nhắc từ kinh nghiệm các cuộc họp trực tuyến lần này, vừa có thể tiết kiệm lại đáp ứng tính kịp thời.