📞

Hiroshima thành phố biểu tượng cho hòa bình

14:41 | 18/03/2017
Thành phố Hiroshima đang nỗ lực trở thành biểu tượng của hòa bình để quên đi nỗi đau bị tàn phá năm xưa.

Khách du lịch đổ xô đến thành phố Hiroshima, Nhật Bản để tham quan những chứng tích từng bị phá hủy bởi bom nguyên tử. Nhưng thành phố này lại muốn mọi người biết đến không chỉ bởi câu chuyện về vụ ném bom năm 1945.

Chứng tích chỉ còn trơ khung của tòa nhà Genbak Dome (còn gọi là Mái vòm bom nguyên tử) gợi nhớ lại thời điểm quả bom nguyên tử mà không quân Mỹ ném xuống Hiroshima ngày 6/8/1945 san bằng tất cả. Những bức tường đổ nát của tòa nhà này, được bảo tồn hơn bảy thập kỷ qua, là một phần của Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, nơi ghi dấu "sự phá hoại kinh khủng nhất mà loài người từng tạo ra" trong Thế chiến Thứ II.

Đây là điểm thu hút khách du lịch đến với Hiroshima từ nhiều năm nay bởi nhiều người muốn xem ảnh của tòa nhà khi nó cùng cả thành phố này bị bom nguyên tử tàn phá.

Tòa nhà Genbak Dome. (Nguồn: AFP)

Ông Ran Zwigenberg, một nhà sử học thuộc trường Đại học Penn State (Mỹ) và tác giả cuốn sách “Hiroshima: Nguồn gốc của văn hóa hồi ức toàn cầu”, cho biết: "Trước đây, người Mỹ chỉ biết đến thành phố là một nơi đổ nát. nơi du khách đến để nhìn thấy hậu quả sức mạnh đáng sợ của quả bom”.

Mặc dù vậy, chính quyền thành phố hiện nay đang nỗ lực biến Hiroshima trở thành biểu tượng của hòa bình chứ không muốn mọi người nhớ đến sự tàn phá nặng nề mà thành phố này từng phải gánh chịu.

Điểm hấp dẫn nhất của Genbaku Dome là ở hình dáng kỳ quái, xiêu vẹo của nó, bên trong thì rỗng tuếch, khác hẳn với thời điểm nơi đây từng được coi là nơi giao thương vô cùng nhộn nhịp của giới thương gia. Ngày nay, đây là nơi tưởng niệm hơn 100.000 người đã qua đời, gồm cả nam giới, phụ nữ và trẻ em.

"Chúng tôi muốn khách du lịch hiểu tận gốc rễ về những thiệt hại mà thành phố này phải hứng chịu từ trận ném bom năm 1945, đồng thời cũng muốn họ lưu lại nơi đây lâu hơn để ngắm nhìn khung cảnh tuyệt vời xung quanh", một quan chức địa phương phát biểu trên trang tin tức The Mainichi.

Với những nỗ lực biến Hiroshima trở thành biểu tượng cho hòa bình, chính quyền thành phố đang đầu tư khoảng 85.000 USD để phát triển ứng dụng giáo dục trên nền tảng di động, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng 8 nhân dịp kỷ niệm 72 năm thành phố bị ném bom. Ứng dụng sẽ bao gồm các hướng dẫn, những bức ảnh chụp trước và sau chiến tranh tại thành phố Hiroshima, kèm theo đó là các nội dung giải thích bằng tiếng Anh.

Quả bom nguyên tử đã phá hủy 92% trong tổng số 76.000 căn nhà, san bằng gần như toàn bộ thành phố, những gì người ta nhìn thấy còn lại chỉ toàn là tro tàn, những mảnh vỡ, xác người.

Trong nỗ lực tái thiết thành phố, chính quyền Hiroshima đã nỗ lực mang lại một diện mạo tích cực hơn. Khi hình dung về một thành phố mới, nhà thơ Sankichi Toge cho rằng thành phố nên xây dựng công viên tưởng niệm, có đài tưởng niệm, có viện bảo tàng, có thư viện và rất nhiều không gian xanh. Và rồi, thành phố này đã được tái thiết và được mệnh danh là trung tâm hòa bình thế giới. Sự hấp dẫn nằm ở cách thức mà Hiroshima khắc phục hậu quả của trận bom nguyên tử để rồi đứng dậy trở thành biểu tượng mang lại sự tốt đẹp về hệ tư tưởng cho toàn thế giới.

Với ngân sách không đầy 1 triệu Yên năm 1946, chính quyền thành phố đã không thể xây dựng lại các kiến trúc hạ tầng cơ bản. Chỉ tính riêng các tuyến đường cũng tiêu tốn tới 1 tỷ Yên. Nhưng đến năm 1949, sau khi Nhật Bản phê chuẩn Luật Tái Thiết Đài Tưởng Niệm Hòa Bình Hiroshima, mọi khó khăn đã được giải quyết.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt hoa tại đài tưởng niệm nạn nhân ở Hiroshima, tháng 5/2016. (Nguồn: Flipboard)

Du lịch hòa bình 

"Du lịch hòa bình" là sáng kiến của Thống đốc Hidehiko Yuzaki, ông hy vọng điểm đến du lịch này sẽ là nơi tuyên truyền chống vũ khí hạt nhân. "Vũ khí hạt nhân để lại hậu quả rất lớn lên con người, Hiroshima và Nagasaki là hai nơi duy nhất giúp bạn cảm nhận được điều đó".

Sáng kiến trên, bao gồm cả việc phát triển ứng dụng, ra đời khi đài tưởng niệm hòa bình đạt kỷ lục về lượng khách du lịch nước ngoài. Thống kê cho thấy đã có khoảng 1,5 triệu người đến tham quan Đài tưởng niệm Hòa Bình Hiroshima năm ngoái. Khoảng 340.000 người trong số đó là khách nước ngoài. Chính quyền dự kiến sẽ đón tiếp nhiều khách du lịch hơn trong năm nay, đặc biệt là sau khi ông Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm nơi đây hồi tháng 5 năm ngoái.

Đối với Hiroshima và Nagasaki - những nơi bị ném bom hủy diệt vào thời chiến, công nghệ đóng vai trò là giải pháp. Một mặt ứng dụng của Hiroshima tập trung vào phục vụ khách du lịch, mặt khác các nhà nghiên cứu của thành phố Nagasaki hồi năm ngoái đã triển khai dự án thực tế ảo trong đó các học sinh tiểu học có cơ hội được đi bộ giữa đống đổ nát thuộc vùng bị ném bom. Tức là, các trẻ em sinh ra ở thời hiện đại sẽ được trải nghiệm một Nagasaki đổ nát như cách đây nhiều thập kỷ thông qua mô hình trình chiếu 3D. 

Năm 2016, trường Đại học Tokyo đã tổ chức hội thảo hòa bình Mỹ - Nhật, quy tụ các học sinh cấp ba đến từ Tokyo, New York, và Boston cùng nghiên cứu về trận bom lịch sử nhờ ứng dụng công nghệ bản đồ kỹ thuật số. Các học sinh đã nghiên cứu các tư liệu về Hiroshima và Nagasaki cùng với những người sống sót của thời đó để phác họa ra tấm bản đồ tương tác kể chi tiết về hậu quả của chiến tranh.

Theo nhà sử học Zwigenberg, các dự án bản đồ số được triển khai nhằm tái hiện lại khung cảnh những năm 1950 -1960 để tạo ra cơ sở dữ liệu số kể về một thời bom đạn, chia sẻ ra toàn thế giới để giáo dục con người về mức độ nguy hiểm của chiến tranh, ý nghĩa của hòa bình.

(theo City Lab)