Hố băng được các nhà nghiên cứu phát hiện cách đây một tháng. Với diện tích gần 78.000 km2 đây là hố băng lớn nhất từng được quan sát ở Biển Weddell của Nam Cực từ những năm 1970.
"Giữa mùa Đông, trong hơn 1 tháng, vùng nước mở này đã hình thành. Đáng chú ý là hố băng này đã biến mất trong 40 năm sau đó lại xuất hiện", National Geographic dẫn lời Kent Moore, giáo sư vật lý tại Đại học Toronto.
Nhóm nghiên cứu bao gồm các nhà khoa học thuộc Đại học Toronto và Dự án Quan sát và Mô phỏng Khí hậu và Carbon Nam Đại dương (SOCCOM). Họ đã theo dõi khu vực này bằng công nghệ vệ tinh sau khi một hố băng tương tự mở ra vào năm ngoái.
Hố băng được hình thành giữa bề mặt lạnh giá của Nam Cực. (Nguồn: NASA) |
Mùa Đông khắc nghiệt ở Nam Cực làm cho những hố băng như vậy khó được tìm thấy, vì vậy việc nghiên cứu chúng cũng trở nên khó khăn. Hố băng được phát hiện năm ngoái không lớn bằng năm nay nhưng đã khiến các nhà khoa học chú ý tới khu vực này.
Nước ở sâu dưới Nam Đại dương ấm hơn và mặn hơn nước ở bề mặt. Dòng hải lưu đã mang nước ấm lên trên, làm tan chảy lớp băng bề mặt và tạo ra hố băng.
Sau khi tiếp xúc với không khí lạnh giá phía trên, nước ấm nổi lên sẽ bị làm nguội đi và chìm xuống dưới, nơi chúng lại được làm ấm và lặp lại chu trình.
Các nhà khoa học đang tìm hiểu tác nhân gây ra sự hình thành của các hố băng sau nhiều năm. Moore cho rằng có khả năng động vật có vú dưới biển sử dụng hố băng để hít thở.
Việc vùng nước ấm của Đại dương bị làm mát khi lên tới bề mặt cũng có thể ảnh hưởng lớn đến nhiệt độ Đại dương.
Tuy nhiên, ngoài ảnh hưởng tới khí hậu khu vực, Moore cho biết các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ liệu hố băng này sẽ tác động ra sao tới vùng biển và khí hậu Nam Cực cũng như nó có liên quan tới biến đổi khí hậu hay không.