Hội nghị Nước 2023 của Liên hợp quốc được tổ chức tại New York, Mỹ từ ngày 22-24/3. (Nguồn: UN Water) |
Nước “lạnh”, chủ đề “nóng”
Từ ngày 22-24/3, Hội nghị Nước 2023 của Liên hợp quốc (LHQ) hay còn gọi là Hội nghị LHQ rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu của Thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2022 diễn ra tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ.
Hội nghị đặc biệt ý nghĩa khi khai mạc đúng vào Ngày Nước thế giới 22/3. Năm nay, Ngày Nước thế giới được LHQ phát động ̣với chủ đề là “Accelerating Change” - “Thúc đẩy sự thay đổi” nhấn mạnh vai trò của nước là nền tảng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống và là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia; đồng thời hướng đến giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường trên toàn cầu. Qua đó, kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước để tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày.
Hội nghị dự kiến có sự tham gia của các Nguyên thủ, Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, đại diện cấp cao đến từ nhiều quốc gia thành viên LHQ, và nhiều lãnh đạo các cơ quan LHQ, các tổ chức quốc tế. Đây là dịp để cộng đồng toàn cầu cùng nhau hành động và giải quyết những thách thức lớn về nước.
Sự kiện này kiến tạo thêm động lực cho các quốc gia hoàn thành tốt Mục tiêu phát triển bền vững số 6 của LHQ, cụ thể là quản trị nguồn nước vệ sinh một cách bền vững cho tất cả người dân. Hơn nữa, Hội nghị năm nay cũng góp phần nêu bật chặng đường phấn đấu của LHQ trong việc hiện thực hóa mục tiêu của Thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2022.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại biểu các nước thành viên cùng thảo luận, đề xuất sáng kiến nhằm tháo gỡ nút thắt trong quản trị và tiếp cận nguồn nước trong 5 phiên đối thoại chính:
Một là, nước vì sức khỏe nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận nguồn nước sạch và an toàn của người dân.
Hai là, nước vì phát triển bền vững nhằm tập trung vào công tác định giá nguồn nước, xác định phương hướng thúc đẩy sự phối hợp giữa nước-năng lượng-thực phẩm đối với mục tiêu phát triển kinh tế-đô thị bền vững.
Ba là, nước vì khí hậu, khả năng phục hồi và môi trường nhằm tìm kiếm giải pháp duy trì hệ sinh thái đa dạng, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu và khắc phục sau thiên tai.
Bốn là, nước vì hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy mạng lưới phối hợp liên ngành và xuyên biên giới giữa các đối tác về mục tiêu quản trị nguồn nước.
Năm là, thập kỷ hành động vì nước nhằm đẩy nhanh các nỗ lực chung để hoàn thành các mục tiêu của Thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2022.
Có thể nói, chương trình nghị sự của Hội nghị đã thực sự phản ánh được tính cấp bách của vấn đề, là lời kêu gọi mạnh mẽ sự vào cuộc của các chủ thể có trách nhiệm liên quan. Nhìn vào thực trạng thế giới hiện nay, tháp nhân khẩu học gia tăng đi kèm với vòng xoáy biến đổi khí hậu đang cuốn người dân toàn cầu vào tình thế nan giải khi phải sử dụng quẩn quanh nguồn nước kém vệ sinh, đồng thời hạn chế cơ hội tiếp cận nguồn nước sạch cho chính mình.
Do đó, Hội nghị Nước 2023 của LHQ đóng một vai trò không nhỏ trong tiến trình dẫn dắt người dân thoát khỏi rào cản về vấn đề nguồn nước nói riêng, cũng như thúc đẩy môi trường phát triển thuận lợi của xã hội nói chung trong tương lai.
Một bé gái uống nước từ giếng mới được cải tạo ở thung lũng Gwembe, Zambia. (Nguồn: UNICEF) |
Vòng tròn nước thải-nước uống
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã tự xây dựng thành công mô hình quản trị nguồn nước hiệu quả, tạo cảm hứng cho các đối tác quốc tế noi theo. Singapore là một trong số những tấm gương điển hình đó.
Nhận thức được tầm quan trọng của nước, Singapore đã đưa vấn đề nguồn cung cấp nước vào chiến lược phát triển tổng thể của quốc gia. “Đảo quốc sư tử” không chỉ chú trọng tới lượng cung mà còn tính đến các khía cạnh khác như chất lượng, chi phí sản xuất và quản lý nước.
Kế hoạch tổng thể về nước được triển khai từ năm 1972 đã xây dựng cho Singapore một danh mục tài nguyên nước đa dạng, để đáp ứng nhu cầu nước trong giai đoạn này và có thể phát triển trong tương lai. Có bốn nguồn cung cấp mà người Singapore gọi là “bốn vòi nước quốc gia”, bao gồm nước nhập khẩu từ Malaysia, nước mưa, nước tinh khiết lọc từ nước thải (người Singapore đặt tên là NEWater), và lọc từ nước biển.
Năm 2003, dự án NEWater được giới thiệu, đây là một công nghệ tái tạo nước đã qua sử dụng bằng các biện pháp như thanh lọc bằng bộ vi lọc, bộ thẩm thấu, khử trùng, khử bẩn bằng tia cực tím. Cụ thể, nước dội bồn vệ sinh hay dùng trong nhà bếp đều được thu hồi nhằm tạo ra “nước mới” (NEWater).
Đến tháng 5/2010, Singapore khai trương nhà máy hiện đại nhất và lớn nhất tinh chế nước đã qua sử dụng thành nước cho con người sử dụng và dùng trong các nhà máy. Năm 2014, Ủy ban LHQ về Nước (UN-Water) từng trao giải thưởng danh giá nhất cho NEWater trong hạng mục "thực hành, truyền thông, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng tốt nhất" về an toàn nguồn nước.
Đến nay, NEWater là nước uống đã đáp ứng được 30% nhu cầu của cả nước, nhưng chủ yếu được sử dụng cho ngành công nghiệp và tích trữ cho mùa khô. PUB ước tính, đến năm 2060, riêng chương trình tái sử dụng nước (NEWater) sẽ đáp ứng được 85% nhu cầu tiêu thụ nước của Singapore.
Năm 2015, Singapore đã xây dựng một nhà máy với chương trình thử nghiệm phương pháp khử muối điện hóa, trong đó sử dụng điện trường để tách muối ra khỏi nước biển. Ước tính, nguồn nước ngọt đã được lọc từ biển cũng cung cấp khoảng từ 10-20% lượng nước cho quốc gia này.
Để tăng cường và đảm bảo an ninh nguồn nước, Singapore cũng tìm cách hạn chế thất thoát, kể cả do rò rỉ đường ống, từ mức 9,5% năm 1990 xuống còn 5% vào năm 2016 - tỷ lệ thấp nhất thế giới.
NEWater của Singapore từng được giải thưởng của Ủy ban LHQ về Nước trong hạng mục "thực hành, truyền thông, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng tốt nhất" về an toàn nguồn nước. (Nguồn: PUB) |