Một lần nữa, Hạ viện Anh từ chối dự thảo thỏa thuận Brexit tại cuộc bỏ phiếu lần hai diễn ra tối ngày 12/3 (rạng sáng 13/3 giờ Việt Nam). So với lần bỏ phiếu trước, chênh lệch giữa số phiếu chống và phiếu thuận đã được rút ngắn từ 230 xuống còn 149 phiếu. Tuy nhiên, con số này vẫn không đủ để đưa bản thỏa thuận “qua ải”.
Thất bại lần thứ hai trước quốc hội cho thấy chính trường Anh vẫn tiếp tục chia rẽ sâu sắc về bản thoả thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May, bất chấp những nhượng bộ từ EU.
Thủ tướng Anh Theresa May tại cuộc bỏ phiếu trước Hạ viện lần thứ hai hôm 13/3. (Ảnh: UK Parliament) |
Nỗ lực đến phút chót
Chưa đầy 24 giờ trước khi bước vào cuộc bỏ phiếu “định mệnh” này, bà May vẫn ráo riết đến Strasbourg (Pháp) để tìm kiếm đột phá trong các cuộc đàm phán về Brexit và cuối cùng đã có được những thay đổi “mang tính ràng buộc pháp lý”.
Bản thoả thuận “đã được cải tiến” vào phút chót cho thấy một sự cam kết rõ ràng hơn từ phía EU. Theo đó, quan chức EU đồng ý đưa ra một bản phụ lục diễn giải cụ thể hơn về điều khoản backstop (lưới an toàn chốt chặn), với đảm bảo rằng điều khoản này không có thời hạn thực thi vĩnh viễn, rằng EU không “bẫy” nước Anh ở lại vĩnh viễn trong Liên minh thuế quan châu Âu. Thay vào đó, hai bên sẽ nỗ lực tìm giải pháp thay thế điều khoản backstop trong giai đoạn quá độ, dự kiến từ ngày 29/3/2019 đến 31/12/2020.
Nhưng “thành tích” đàm phán của bà May được đánh giá là chưa đủ để đảm bảo quyền lợi của Anh, thậm chí còn kéo theo nhiều rủi ro cả về đối nội lẫn đối ngoại. Về mặt đối nội là việc đặt phần lãnh thổ Bắc Ireland vào một quy chế tách biệt với phần còn lại của Vương quốc Anh; về đối ngoại là việc châu Âu ngăn cản Anh tự do tiến hành ký kết các hiệp định tự do thương mại với các nước khác trên thế giới.
Và một lần nữa, những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi, tìm kiếm sự ủng hộ để đảm bảo nước Anh ra khỏi EU đúng thời hạn và có thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May cuối cùng lại bị phủ nhận trước Hạ viện.
Những kịch bản khác
Có rất nhiều kịch bản được đặt ra sau khi Hạ viện Anh “khước từ” dự thảo thỏa thuận Brexit tối ngày 12/3, hoặc rút khỏi EU mà không có thỏa thuận, hoặc lùi ngày rút khỏi EU sau hạn chót 29/3, hoặc bầu cử trước hạn, hoặc thậm chí trưng cầu dân ý lại về Brexit. Trong đó, hai phương án được cho là nhiều khả năng xảy ra nhất bao gồm: Anh rời EU mà không có thỏa thuận và trì hoãn thời hạn 29/3.
Ở phương án đầu tiên, nếu Anh rời EU mà không đạt thỏa thuận, các quan hệ giữa Anh với đối tác thương mại mật thiết nhất sẽ bị cắt đứt kể từng ngày 29/3 tới. Đây là kịch bản mà giới doanh nghiệp cảnh báo có thể gây hỗn loạn thị trường, gián đoạn nguồn cung, gây ra tình trạng khan hiếm lương thực, thuốc men.
Tuy nhiên, gần như chắc chắn Hạ viện Anh sẽ bác bỏ khả năng này bởi trong cuộc bỏ phiếu vào cuối tháng 1/2019, với 318 phiếu thuận so với 310 phiếu chống, các nghị sĩ đã thống nhất phản đối phương án “không thỏa thuận”.
Phương án thứ hai được tính đến là trì hoãn thời hạn thực thi Brexit. Phải thừa nhận một thực tế rằng rất khó để Thủ tướng May đạt được điều gì thông qua bỏ phiếu tại Quốc hội. Vì vậy, nhiều khả năng Chính phủ Anh sẽ yêu cầu trì hoãn Brexit để tránh sự xáo trộn về kinh tế nếu Anh rời khỏi khối này mà không có thỏa thuận.
Nhưng việc xin EU lùi thời hạn thực thi Brexit không phải việc đương nhiên đạt được. Phía EU đang dần tỏ thái độ không có hứng thú cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Sau hai lần Hạ viện bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit, EU đang nhìn nhận nước Anh là một một đối tác đàm phán không đáng tin cậy. Điều này càng làm gia tăng sự bất lợi về phía Anh.
Sau cuộc bỏ phiếu, hàng loạt quan chức cấp cao châu Âu đã đưa ra phản ứng cho biết EU chỉ chấp nhận gia hạn nếu nước Anh có các lý do thuyết phục và đáng tin cậy, với một thời hạn hợp lý và việc này cần phải được toàn bộ 27 nước thành viên EU thông qua một cách đồng thuận. Nói cách khác, EU hoàn toàn có khả năng bác bỏ lời đề nghị từ phía Anh.
Ngày 14/3 tới đây, Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu quyết định phương án tiếp theo, cùng thời điểm Hội đồng châu Âu họp tại Brussels (Bỉ) lần cuối cùng trước ngày Brexit diễn ra. Từ giờ đến lúc đó, bà May buộc phải tất tay những quân bài then chốt cuối cùng nếu mong “xoay vần cục diện”.
Có thể coi tiến trình Brexit như một hố cát lún và người bị kẹt trong đó là Anh. Những nỗ lực, vùng vẫy của London chỉ càng khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Điều hiện giờ mà nước Anh có thể làm là kéo dài thời gian, chờ đợi và tìm kiếm một giải pháp thích hợp để tự cứu mình khỏi thảm cảnh.