Ảnh minh họa |
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, hiện DNNVV chiếm khoảng 97% trong tổng số doanh nghiệp (DN) tại VN. Các DN này đã tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 10 triệu lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Đặng Huy Đông, thời gian qua hệ thống các cơ quan đầu mối thực hiện chức năng trợ giúp DNNVV ở Trung ương và địa phương còn yếu về nguồn lực, thiếu kinh phí thực hiện các chương trình hỗ trợ…
Chưa sát thực tế
“Muốn hiểu được DN thì người trực tiếp quản lý những trung tâm xúc tiến, hỗ trợ DN phải là người tâm huyết, trăn trở cùng DN. Chỉ đọc một vài bài phát biểu mang tính hình thức thì sẽ không bao giờ có hiệu quả”, ông Đông cho biết.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, ngay từ năm 1953, Nhật đã có chính sách chống tập trung hóa nền kinh tế. Tức là chống tập trung vốn vào một vài DN lớn, khuyến khích cho phát triển DNNVV lành mạnh. Cho đến thời điểm này, Nhật Bản vẫn luôn coi các DNNVV là xương sống của nền kinh tế. Trong khi ở VN. có rất nhiều chính sách hỗ trợ DN, nhưng còn rất chung chung. Điểm ra những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DNNVV thì mới chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
“Tôi đề nghị các Sở cần chọn người đứng đầu các đơn vị về xúc tiến phát triển DN phải là những người tự bản thân họ đã có nhiệt huyết, có quyết tâm. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về vốn, phải đánh giá rất rõ liệu có đến được tận tay DNNVV hay không? Làm thế nào để chương trình hỗ trợ về vốn của Chính phủ đến được DNNVV? Trên thực tế, qua các số liệu báo cáo, thường thì vốn lại rơi vào “tay các ông lớn”, chứ không đến được tay DNNV”, ông Đông nói.
Phân tích thực trạng cụ thể hiện nay ở các địa phương, Bà Đồng Thị Bích Chính, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Đà Nẵng cho biết bức tranh của các DNNVV của Đà Nẵng cũng như cả nước, nhìn bề ngoài thì tương đối “đẹp”, nhưng thực chất thì lại chưa được như mong muốn. Nghị định 56 (về trợ giúp, hỗ trợ DNNVV) ra đời đã được 3 năm, nhưng đến hôm nay mới đặt lại vai trò của cơ quan đầu mối.
“Chúng ta đã có văn bản, có hành lang pháp lý nhưng vẫn chưa hỗ trợ được DN. Phần lớn DN hiện nay vẫn phải “tự bơi” để tồn tại và phát triển. Như vậy, thực chất vấn đề hỗ trợ cho DN từ trung ương đến địa phương mới chỉ ở trên hành lang pháp lý, chứ chưa đi vào thực tế.”, bà Chính nhận định.
Số lượng tăng, chất chưa cao
Ông Phạm Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Nam Định cho rằng thời điểm hiện nay, việc thành lập DN đơn giản đang khiến làm cho số lượng DN tăng lên, còn chất lượng thì chưa cao. Vì vậy, các chủ DN cần được qua một lớp đào tạo tối thiểu, sau đó mới ra làm “ông chủ”. Có thể số lượng DN sẽ ít đi, nhưng chất lượng sẽ được nâng lên.
“Tôi thấy ở VN, làm một ông giám đốc còn đơn giản hơn người đi làm thuê. Vì người làm thuê sẽ bắt buộc phải thử tay nghề, kiểm tra những tiêu chuẩn tối thiểu. Trong khi ông chủ DN lại không có bất kỳ một điều kiện gì cả”, ông Khánh nói.
Ngoài ra phần lớn các DN thường kêu thiếu vốn nghiêm trọng. Theo ông Khánh, có 2 nguyên nhân cơ bản mà DN không tiếp cận được với vốn tín dụng từ ngân hàng. Thứ nhất, trình độ hạch toán, kế toán của các DNNVV không đủ độ tin cậy. Sổ sách quá yếu kém, khiến cho ngân hàng thiếu niềm tin vào DN. Thứ hai, năng lực lập dự án đủ tính khả thi, chặt chẽ và tính thuyết phục không có.
Gia Huy