Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Andriiy Sybiha tại Kiev, Ukraine, ngày 22/11. (Nguồn: AP) |
Ông Lipavsky nhấn mạnh, Czech "ý thức rõ những thách thức và quyết định khó khăn đang chờ đợi Ukraine, nhưng Ukraine sẽ không đơn độc".
Theo ông, là một phần của sáng kiến đạn dược do Czech dẫn đầu, 500.000 quả đạn pháo sẽ được chuyển đến Ukraine vào cuối năm nay và sáng kiến này vẫn sẽ được tiếp tục.
Nhà ngoại giao cũng nhắc lại rằng Prague ủng hộ việc Kiev gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì đây là "điều cần thiết để đảm bảo an ninh cho Ukraine".
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Lipavsky diễn ra một ngày sau khi Nga phóng một trong số những tên lửa tầm trung mới nhất được trang bị đầu đạn phi hạt nhân vào Ukraine. Cả hai Ngoại trưởng Czech và Ukraine đều gọi đây là sự leo thang và phô trương vũ lực của Moscow.
Kể từ khi nổ ra xung đột ở Ukraine (tháng 2/2022), Czech vẫn là một trong những quốc gia ủng hộ Kiev lớn nhất, đồng thời là một trong những nước đầu tiên cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine.
Ở diễn biến khác liên quan, bất chấp những cảnh báo gay gắt từ Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thụy Điển khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, coi đây như một khoản đầu tư cho chính an ninh của mình.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung ngày 22/11 với người đồng cấp Ukraine Rustem Umerov tại Stockholm, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Johnson tuyên bố mạnh mẽ rằng nước này sẽ không khuất phục trước các động thái từ Moscow.
Cùng với tuyên bố này, Thụy Điển công bố một gói viện trợ đáng kể để Ukraine mua sắm tên lửa tầm xa và thiết bị bay không người lái.
Stockholm cũng bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Kiev phát triển năng lực sản xuất vũ khí tầm xa.
Tuyên bố của Thụy Điển được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Putin cáo buộc cuộc xung đột ở Ukraine đã mang tính "toàn cầu", đồng thời chỉ trích các nước phương Tây về việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của họ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Trong khi đó, cũng trong ngày 22/11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tái khẳng định lập trường cứng rắn về việc không cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine, đồng thời bác bỏ khả năng cho phép sử dụng vũ khí của Đức để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ Xã hội (SPD) ở Berlin, ông Scholz nhấn mạnh quan điểm không muốn Ukraine sở hữu loại tên lửa có khả năng tấn công sâu vào nội địa Nga, khẳng định sẽ không cho phép việc sử dụng bất kỳ thiết bị quân sự hạng nặng nào do Đức cung cấp vào mục đích này.
Theo người đứng đầu chính phủ Đức, chỉ có đảng SPD mới có thể duy trì sự cân bằng giữa thận trọng và ủng hộ Kiev.
Ông cũng bày tỏ cam kết kiềm chế để không làm leo thang tình hình căng thẳng hiện nay, đặc biệt khi người dân đang cảm thấy lo lắng và bất an.