📞

Hòa Bình tập trung phát triển ‘mỏ vàng’ du lịch

Tống Thoan 13:00 | 29/11/2024
Những ưu đãi từ thiên nhiên, các đặc điểm đa dạng về cấu trúc địa hình đồi núi, hang động, mặt nước đã tạo cho Hoà Bình sự độc đáo về cảnh quan và hệ sinh thái. Địa phương đang tận dụng triệt để lợi thế này để phát triển và trở thành trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
Mai Châu, Hòa Bình đẹp như một bức tranh. (Nguồn: Flickr)

Vùng hồ sông Ðà với diện tích mặt nước khoảng 9.000 ha, Hòa Bình được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”. Tỉnh còn được mệnh danh là “miền đất sử thi”. Cái nôi của nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi danh trong lịch sử thế giới, vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, với 267 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường đã được kiểm kê; 73 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm; 101 di tích được xếp hạng.

Trong đó, Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường Hòa Bình được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2022. Hay mới nhất, giữa tháng 11/2024, Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành của Hòa Bình nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh đó, địa phương có các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo như: Mo Mường, nghệ thuật Chiêng Mường, Tri thức dân gian lịch tre của dân tộc Mường và tập quán xã hội - tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái Mai Châu.

Dồn lực phát huy thế mạnh

Những thế mạnh kể trên đang được tỉnh Hòa Bình tập trung khơi dậy và phát huy một cách mạnh mẽ. Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu trở thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Hiện thực hóa mục tiêu này, những năm gần đây, du lịch Hòa Bình đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch văn hóa tâm linh với đền Thác Bờ và động Thác Bờ trên Khu du lịch hồ Hòa Bình; quần thể di tích hang động núi đầu rồng và đền Thượng Bồng Lai thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong; quần thể các di tích huyện Lạc Thủy…

Tỉnh chú trọng phát triển loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với những khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, có cảnh quan thiên nhiên khí hậu trong lành đáp ứng nhu cầu tham quan nghỉ dưỡng của nhiều du khách và loại hình thể thao với những sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế như sân Golf Phượng Hoàng 54 lỗ tại huyện Lương Sơn và sân Hilltop Valley Golf Club 18 lỗ thu hút được nhiều du khách chơi golf.

Các loại hình du lịch đang được giới trẻ quan tâm và thu hút lượng lớn khách đến như: camping, tắm thác, suối… Các hoạt động trên đã góp phần thu hút đông đảo khách du lịch, mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động loại hình du lịch cộng đồng ngày càng hoàn thiện và phát triển, góp phần thúc đẩy du lịch chung của tỉnh Hòa Bình với phương châm: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Du khách tham gia Phiên chợ vùng cao Hòa Bình, thưởng thức nông sản địa phương. (Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình)

Song song với đó, nhờ tinh thần “Quyết liệt, hiệu quả, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm”, Hòa Bình triển khai hiệu quả mô hình phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại các huyện, thành phố.

Tỉnh chú trọng khai thác thị trường vùng Thủ đô Hà Nội song song với mở rộng thị trường trong nước, quốc tế. Đẩy mạnh công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, đặc biệt là liên kết với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Thanh Hóa và một số tỉnh, thành trong khu vực với phương châm “Liên kết, hành động và phát triển”, chú trọng công tác xúc tiến du lịch tại thị trường tiềm năng như Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Hàn Quốc... để mở rộng thị trường thu hút khách, thúc đẩy phát triển du lịch.

Không chỉ thế, ngành du lịch tỉnh Hòa Bình chú trọng nghiên cứu, triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh từng địa phương. Tiêu biểu là sản phẩm du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; du lịch nghỉ dưỡng trên hồ Hòa Bình; du lịch thể thao dù lượn, golf, chạy marathon; du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm làng nghề, sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 500 cơ sở lưu trú đã được đưa vào khai thác, xây dựng được 10 bản du lịch cộng đồng dân tộc, thu hút được nhiều du khách đến trải nghiệm. 10 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch tới Hòa Bình đạt gần 4 triệu lượt, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 4 nghìn tỷ đồng.

Phát triển ổn định, lâu dài và thịnh vượng

Năm 2024, du lịch Hòa Bình phấn đấu đón 4,2 triệu lượt khách, trong đó có 500 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch trên 4.600 tỷ đồng. Để thu hút thêm nhiều lượt khách đến với Hòa Bình, đồng thời kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách, việc xây dựng, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn có ý nghĩa then chốt.

Tỉnh tổ chức triển khai và thực hiện chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển Khu du lịch hồ Hòa Bình thành Khu du lịch quốc gia; Đề án xây dựng các xã vùng cao Tân Lạc trở thành Khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Dự án Khu du lịch thiên nhiên Robinson (đảo Sung) đang được triển khai ở huyện Đà Bắc. (Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình)

Cùng với đó, ưu tiên các nguồn lực, lồng ghép nguồn ngân sách nhà nước đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch, nhất là các bến cảng du lịch, tuyến đường ven hồ Khu du lịch hồ Hòa Bình để kết nối các điểm du lịch, tạo thuận lợi về giao thông phục vụ nhà đầu tư du lịch, du khách và người dân địa phương; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này.

Đồng thời, Hòa Bình xây dựng chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp và hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông và nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok, Zalo, cổng thông tin du lịch thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và số hóa trong tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh, sản phẩm du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng... Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, kỹ năng về du lịch theo hướng đổi mới tư duy, phù hợp với tình hình mới, phát triển đội ngũ nhân lực du lịch chất lượng cao.

Để phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, tỉnh đưa ra các sản phẩm mới, phù hợp, như tour ngắn ngày, nghỉ dưỡng, đi bộ, đạp xe, các cơ sở lưu trú mới vào phục vụ khách. Tỉnh triển khai chương trình Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; xây dựng và chuẩn hóa các điểm du lịch cộng đồng đạt chuẩn sản phẩm OCOP về du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung phát triển một số dự án du lịch vui chơi giải trí chất lượng cao trên Khu du lịch hồ Hòa Bình…

Tỉnh mong muốn đón thêm các nhà đầu tư đến với Hòa Bình, cũng khai thác “mỏ vàng” du lịch. Với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư”, Hòa Bình cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực du lịch phát triển ổn định, lâu dài và thịnh vượng. Tỉnh thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ các nhà đầu tư, doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sẵn sàng tiếp đón các doanh nghiệp khi đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư.