Hòa đàm Nga-Ukraine lâm vào bế tắc sau cuộc gặp hai bên hồi cuối tháng 3. (Nguồn: Reuters) |
Cuộc đàm phán trực tiếp gần đây nhất giữa Kiev và Moscow được tổ chức hôm 29/3, sau đó diễn ra một số hoạt động tiếp xúc từ xa, nhưng các quan chức hai nước ngày 17/5 xác nhận, quá trình thảo luận đã bị đình trệ.
Ngày 18/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: “Những cuộc đàm phán không có sự tiến triển và chúng tôi ghi nhận thái độ hoàn toàn thiếu thiện chí từ phía các nhà đàm phán Ukraine trong nỗ lực tiếp tục tiến trình này”.
Đáp lại, trên trang Telegram, cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình trạng bế tắc hiện nay.
Quan chức Ukraine viết: “Ông Putin không sẵn sàng tổ chức đối thoại. Cơ hội duy nhất cho hòa bình là tiêu diệt đối thủ. Tôi nghĩ chỉ vài tháng nữa là họ sẽ phải chấp nhận thất bại”.
Cùng ngày, trên trang Facebook, Lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraine tuyên bố đã sử dụng vật liệu nổ tấn công và phá hủy một đoàn tàu bọc thép chở quân của Nga tại thành phố Malitopol ở miền Nam Ukraine đang do Moscow kiểm soát.
Tuyên bố không cho biết về mức độ thiệt hại của vụ tấn công. Thông tin này hiện chưa được kiểm chứng độc lập. Bộ Quốc phòng Nga cũng chưa đưa ra phản ứng khi được yêu cầu bình luận.
Thành phố Melitopol thuộc khu vực Zaporizhzhia nằm trên vành đai ở miền Nam Ukraine bị quân Nga kiểm soát sau ngày 24/2.
Lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraine là một nhánh quân dự bị trong thành phần các lực lượng vũ trang nước này.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin thông báo, Nhà máy điện hạt nhân (NPP) Zaporizhzhia ở thành phố Enerhodar của Ukraine, hiện do các lực lượng của Moscow kiểm soát, sẽ tiếp tục hoạt động.
Ông Khusnullin lưu ý rằng, nhà máy sẵn sàng cung cấp điện cho Ukraine nếu phía Kiev sẵn sàng thanh toán.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nga khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Krym 24 đã nói rằng, Moscow sẽ khôi phục hệ thống cầu cống và đường xá ở tỉnh Kherson của Ukraine.
| Tin thế giới 18/5: Nga hé lộ chiến thuật mới, thông báo kết quả ở Azovstal; quốc gia châu Âu quyết giữ thế trung lập; trông đợi của NATO Diễn biến xung đột Nga-Ukraine, xung quanh việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, tình hình bán đảo Triều Tiên, những vấn đề ... |
| Xung đột Nga-Ukraine - 'Hồi chuông cảnh tỉnh' để phương Tây thoát năng lượng Nga, mở rộng ‘kết bạn’ Phương Tây cho rằng, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhấn mạnh sự cần thiết của châu Âu và ... |