📞

Hóa giải khoảng cách giàu nghèo - nhiệm vụ bất khả thi?

09:48 | 01/11/2015
Khoảng cách giữa những người giàu nhất và phần còn lại của Thế giới đang ngày càng nới rộng một cách nhanh chóng, thậm chí đang ở mức nghiêm trọng nhất.
Ảnh minh họa.

Ngày 17/10/1987, khoảng 100.000 người đã tập trung tại quảng trường Trocadéro ở Paris (Pháp), nơi bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền ra đời năm 1948 để tưởng niệm các nạn nhân của bạo lực, nghèo cùng cực và nạn đói. Họ tuyên bố, nghèo đói là một sự vi phạm các quyền con người; đồng thời khẳng định sự cần thiết phải cùng chung tay hành động để đảm bảo rằng các quyền đó được tôn trọng.

Gần 30 năm trôi qua, “căn bệnh kinh niên” vẫn chưa tìm được “thuốc đặc trị”, chúng ta vẫn chưa thể giảm bớt được hố sâu ngăn cách giữa hai phần của thế giới.

Rộng như... khoảng cách giàu nghèo

Báo cáo của tổ chức phi chính phủ chống đói nghèo và nhân đạo Oxfam chỉ ra rằng, khoảng cách giàu - nghèo trên thế giới đang tiếp tục mở rộng, khối tài sản của 1% những người siêu giàu trong tổng giá trị tài sản toàn cầu đã tăng từ 44% trong năm 2009 lên 48% trong năm qua và sẽ vượt mức 50% vào năm 2016. Trong khối tài sản còn lại, có tới 46% thuộc sở hữu của nhóm người giàu chiếm gần 20% dân số, còn 5,5% tài sản ít ỏi cuối cùng được chia đều cho khoảng 80% dân số thế giới.

Oxfam nêu rõ, hiện tại, cứ 10 người thì có một người đang thiếu ăn và hơn nửa tỉ người có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đưa ra cảnh báo về tình trạng mất cân bằng thu nhập trên toàn cầu. Hiện nhóm 10% người giàu nhất của một quốc gia chiếm 30-40% tổng thu nhập toàn xã hội, trong khi nhóm 10% người nghèo nhất chỉ thu về từ 2-7%.

Báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) trong Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo vừa qua (17/10) cho thấy, những con số thống kê trên không thể phản ánh hết nỗi thống khổ, sự bất lực và cảnh cơ cực đến nghiệt ngã trong cuộc sống của những người nghèo trên thế giới. Mức độ nghèo như vậy là điều không thể chấp nhận được, nhất là khi quá trình toàn cầu hóa đã mở ra những con đường lớn để tạo ra của cải vật chất.

Tuy nhiên, có điều mỉa mai là các tiến bộ về công nghệ, toàn cầu hóa và cải cách hướng đến kinh tế thị trường - những nhân tố chính giúp thế giới tăng trưởng mạnh mẽ càng khiến tình trạng phân hóa giàu nghèo sâu sắc hơn.

Bài toán chưa tìm được lời giải

Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo năm nay đặc biệt có ý nghĩa khi cộng đồng quốc tế vừa chính thức cam kết một con đường phát triển mới và tham vọng - Mục tiêu Phát triển bền vững cho giai đoạn 2030. Trong khuôn khổ mục tiêu mới, tất cả quốc gia cam kết chấm dứt nghèo đói ở mọi quy mô và dưới mọi hình thức cũng như quan tâm nhiều hơn tới những thành viên bị đẩy ra ngoài lề và chịu thiệt thòi... Tuy nhiên, cuộc tranh luận về cách giải quyết hiệu quả vẫn là một vấn đề “biết rồi, khổ lắm...” trong nhiều năm qua.

Nhiều nhà lãnh đạo thế giới cho rằng, bản thân bất bình đẳng không quan trọng bằng đảm bảo cho mọi người dân ở đáy xã hội có cuộc sống tốt hơn. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair từng đưa ra học thuyết rằng hàng triệu người có thu nhập cao như cầu thủ Beckham có thể giúp cho số trẻ em nghèo đói giảm xuống. Trong khi đó, không ít nhà kinh tế nhận định, bất bình đẳng là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính khi các nhà chính trị cố thu hẹp khoảng cách giàu nghèo bằng cách khuyến khích người nghèo vay tiêu dùng nhiều hơn.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thương mại tự do đã làm giảm bớt khoảng cách giàu - nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế, dòng tiền đầu tư toàn cầu không hạn chế đã làm tăng xu hướng bất bình đẳng vì nó tạo nhiều cơ may cho những cá nhân đầu tư trên các thị trường, làm tăng nhịp độ đổi mới công nghệ, các chính sách nghiêng theo hướng có lợi hơn cho những người giàu và hậu quả là công nhân, đặc biệt là công nhân tại những nền kinh tế nghèo, bị trả lương thấp hơn hoặc mất việc.

Không phủ nhận, mỗi giải pháp đều có một kết quả nhất định. Theo như tổng kết của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, với việc “cán đích” Mục tiêu Thiên niên kỷ, thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, trong vòng 25 năm qua, hơn một tỷ người đã vượt lên trên ngưỡng nghèo. Tuy nhiên, tiến bộ này lại không thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Cho người nghèo cơ hội

Một ý tưởng trùng lặp giữa Mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030 mà LHQ mới đưa ra và nghiên cứu vừa đoạt giải Nobel Kinh tế 2015 của Giáo sư người Scotland Angus Deaton là chúng ta cần phải trao cơ hội cho người nghèo. Theo đó, xây dựng một tương lai bền vững đòi hỏi tăng cường nỗ lực nhằm loại bỏ nghèo cùng cực và phân biệt đối xử, cũng như để bảo đảm rằng mỗi người đều có thể được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của mình. Sự tham gia đầy đủ của người nghèo, đặc biệt là vào các quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống và cộng đồng, phải là trung tâm trong các chính sách và chiến lược nhằm xây dựng một tương lai bền vững.

Liệu đây có phải là một giải pháp giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng đúng thời điểm câu trả lời cho vấn đề này đang ngày càng trở nên mơ hồ? Để “thế hệ của chúng ta có thể là thế hệ đầu tiên biết đến một thế giới không có nghèo đói cùng cực”, như Tổng Thư ký LHQ mong đợi từ Chương trình hành động 2030.

Là tác giả của một phương pháp luận mới mẻ, chặt chẽ, gần gũi hơn với đời sống dân nghèo, GS. Angus Deaton đưa ra lý luận hoàn toàn trái ngược với những gì đã và đang xảy ra trên thực tế. Ông tin rằng, viện trợ nước ngoài là vô nghĩa, đem đến những tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực, thậm chí gửi tiền mặt và thức ăn cho người dân nghèo là làm hại họ.

Quan điểm này thật sự đã gây nhiều tranh cãi, đôi khi có thể đã biến ông thành “kẻ thù” của từ LHQ cho tới Bill Gates. Vì với Angus Deaton, nghèo đói không phải chỉ nằm ở vấn đề tiền bạc, mà nằm ở vị trí của con người trong xã hội, để có thể được lựa chọn cách hành xử giảm sự thiệt thòi cho bản thân.

Minh Anh