Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink trong buổi lễ. (Ảnh: Tuấn Anh) |
ASEAN nằm ở vị trí trung tâm trong tầm nhìn của Hoa Kỳ về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. ASEAN đóng vai trò trung tâm về ngoại giao, kinh tế và chiến lược đối với Hoa Kỳ và sự thịnh vượng toàn cầu trong thế kỷ XXI. Tại khu vực này, Hoa Kỳ đặt mục tiêu hợp tác với tất cả các đồng minh và đối tác nhằm duy trì nguyên tắc chủ quyền, minh bạch và quản trị tốt, vai trò trung tâm của ASEAN và một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Xuyên suốt bốn lĩnh vực ưu tiên trong Tài liệu Quan điểm của ASEAN 2019 về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm kinh tế, hạ tầng, hàng hải và kết nối - mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và các quốc gia ASEAN đang ngày càng khăng khít.
Can dự cùng ASEAN và các diễn đàn liên quan tới ASEAN là các cơ chế khu vực chính nhằm xây dựng hợp tác trong Đông Nam Á ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tổng thống, các Bộ trưởng, các lãnh đạo cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ coi can dự cùng ASEAN là phương thức chính để đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng cho 1 tỷ dân của chúng ta.
Hoa Kỳ tin tưởng rằng ASEAN, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch năm 2020, sẽ tăng cường hợp tác và phối hợp khu vực trong bối cảnh đại dịch Covid-19, một thách thức toàn cầu chưa từng có. Đại dịch toàn cầu nêu bật tầm nhìn xa của Việt Nam tập trung xây dựng một ASEAN “gắn kết và chủ động thích ứng”. ASEAN đã thể hiện sự hiệu quả khi các nước thành viên thống nhất và có chung tiếng nói về các thách thức an ninh và kinh tế khu vực.
Chúng tôi mong muốn phối hợp với Việt Nam đẩy mạnh Sáng kiến Kết nối ASEAN và mở rộng sự tham dự của Hoa Kỳ tại khu vực Mekong. Chúng tôi hy vọng rằng trong nhiệm kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, ASEAN sẽ cùng nhau xử lý những thách thức cấp thiết của khu vực như an ninh hàng hải, tội phạm xuyên biên giới, khủng bố, khủng hoảng nhân đạo, bảo vệ nhân quyền cho những nhóm người dân dễ bị tổn thương nhất trong khu vực.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hướng tới xây dựng một khu vực bao trùm, hòa bình, an ninh, thịnh vượng, xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa người dân Hoa Kỳ và người dân khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mối quan hệ đối tác này phát triển mạnh mẽ bởi nó không chỉ dựa trên kết nối giữa chính phủ mà còn dựa trên kết nối đa dạng và sâu sắc giữa công ty tư nhân và người dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào nguồn lực con người của người dân ASEAN - vào các dự án và chương trình trao đổi, qua đó giúp phát triển tài năng và phát huy năng lực của mỗi cá nhân, đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng của cả cộng đồng ASEAN rộng lớn. Chúng tôi sẽ đồng hành với đối tác và đồng minh để thúc đẩy các mục tiêu cùng với ASEAN.
Như đã được triển khai trong 43 năm qua, Hoa Kỳ chung vai cùng các nước ASEAN đối phó với thách thức trong một thế giới và khu vực đang có nhiều thay đổi. Chúng tôi mong muốn làm sâu sắc quan hệ hợp tác với ASEAN trong nỗ lực phục hồi hậu dịch bệnh, trong việc xử lý tác động kinh tế – xã hội do Covid-19 gây nên, thông qua việc tăng cường thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác về kinh tế số, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đổi mới sáng tạo.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy giá trị chung về mở cửa, minh bạch, bao trùm, khuôn khổ dựa trên luật lệ, tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế, quản trị tốt như đã được đề cập trong Tầm nhìn của Hoa Kỳ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Tài liệu Quan điểm của ASEAN 2019 về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Tôi mong muốn tiếp tục quan hệ đối tác với Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020.