Theo kết quả bầu cử Quốc hội Lebanon, phong trào Hồi giáo dòng Shi’ite Hezbollah và các đồng minh đã mất ưu thế đa số trong cơ quan lập pháp này khi chỉ giành được 62 ghế. Trong ảnh: Các thùng đựng phiếu bầu cử hôm 15/5. (Nguồn: Reuters) |
Trong tuyên bố ngày 17/5, Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã bày tỏ hoan nghênh người dân Lebanon, những người bỏ phiếu và những người tham gia chuẩn bị, thực hiện quy trình bầu cử, bất chấp hoàn cảnh chính trị, kinh tế và xã hội khó khăn xung quanh các cuộc bầu cử này.
Ông Borrell cũng đánh giá cao đóng góp của lực lượng an ninh Lebanon để duy trì một môi trường yên bình và an toàn nói chung, đồng thời giúp đảm bảo các cuộc bầu cử được tiến hành mà không có các sự cố an ninh lớn.
Theo quan chức EU, khối này "đã góp phần làm cho các cuộc bầu cử ở Lebanon trở nên khả thi, bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật rộng rãi cho các cơ quan quản lý bầu cử và cử Phái đoàn quan sát bầu cử (EOM)".
EU bày tỏ kỳ vọng Quốc hội mới được bầu ở Lebanon sẽ hỗ trợ quá trình thành lập chính phủ, đảm nhận trách nhiệm hợp tác phục vụ lợi ích của người dân, đặc biệt là để đóng góp vào việc hoàn thành các yêu cầu trong Thỏa thuận ngày 7/4 để nhận khoản viện trợ trị giá 3 tỷ USD do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cung cấp.
Nhắc lại kỳ vọng rằng các cuộc bầu cử tổng thống và địa phương sẽ được tổ chức theo đúng lịch trình, phù hợp với các nguyên tắc, truyền thống và cam kết dân chủ của Lebanon, ông Borrell khẳng định, EU sẽ tiếp tục ủng hộ quốc gia Trung Đông và người dân nước này.
Trước đó cùng ngày, Bộ Nội vụ Lebanon đã công bố kết quả bầu cử chính thức. Theo đó, phong trào Hồi giáo dòng Shi’ite Hezbollah và các đồng minh đã mất ưu thế đa số trong cơ quan lập pháp này khi chỉ giành được 62 ghế, thấp hơn so mới mức tối thiếu là 65 ghế để trở thành phe đa số trong Quốc hội khóa mới.
Ít nhất 13 ghế trong Quốc hội khóa mới thuộc về các nghị sĩ ủng hộ cải cách. Đây được xem là kết quả chưa có tiền lệ trong cuộc bầu cử tại nước này.
Kết quả trên đẩy Quốc hội Lebanon vào tình trạng phân chia thành nhiều lực lượng, song không có lực lượng nào giành được đa số ghế tại cơ quan lập pháp. Điều này càng gây cản trở cho quá trình thông qua các cải cách cần thiết để vực dậy nền kinh tế.