Tham nhũng là hành vi của cán bộ công quyền, do vậy, để tham nhũng không thể hình thành thì phải “diệt” từ “gốc”. (Ảnh minh họa) |
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng cơ chế, chính sách phòng, chống tham nhũng
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cơ chế, chính sách phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì cần tập trung những nội dung sau:
Tham nhũng là hành vi của cán bộ công quyền, do vậy, để tham nhũng không thể hình thành thì phải “diệt” từ “gốc”. Muốn làm được điều đó, trước hết và quan trọng nhất đó là phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức; phải có cơ chế, chính sách nâng cao đạo đức công vụ phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng từ sớm, từ xa.
Người nhấn mạnh: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Như vậy, bản chất cần và cốt lõi của người cán bộ, công chức, của cán bộ làm công tác xây dựng cơ chế, chính sách đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Xây dựng cơ chế, chính sách phòng chống tham nhũng phải minh bạch, công khai và đề cao tính dân chủ. Người khẳng định, chỉ có dân chủ thì mới có thể phòng chống tham nhũng một cách triệt để: “Mở rộng dân chủ phê bình trong cơ quan và ngoài quần chúng, từ trên xuống và từ dưới lên. “Trên đe dưới búa” của phê bình, thì nhất định tẩy được bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí”; “Quần chúng thật sự có quyền dân chủ và cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong, gương mẫu thì chắc chắn ngăn ngừa được những tệ quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô”.
Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng chống tham nhũng phải lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, bởi chính sách ban hành là để phục vụ nhân dân; “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
Xây dựng cơ chế, chính sách phòng chống tham nhũng cần có quy định kiểm tra, kiểm soát quyền lực của cán bộ công chức, cơ quan nhà nước. Người nhận định, nguyên nhân của khuyết điểm trong công việc là do thiếu sự kiểm tra và kiểm soát quyền lực.
Do vậy, các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng cần đưa ra những nội dung kiểm tra, giám sát, đồng thời quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ cán bộ công chức, cơ quan nhà nước để có thể kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Một là việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường xuyên làm. Hai là, người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”. Bên cạnh đó cần có cơ chế để phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác kiểm tra.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng chống tham nhũng không thể thiếu các biện pháp phạt nghiêm khắc bằng pháp luật hình sự. Người nhấn mạnh: “Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”, “nhưng đối với những kẻ ngoan cố không chịu sửa đổi thì chính quyền phải dùng phép luật. Phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân”; “Cần có những pháp luật để trừng trị tệ tham ô, lãng phí, và phải chấp hành những pháp luật ấy một cách nghiêm chỉnh…”.
Xây dựng cơ chế, chính sách phòng chống tham nhũng phải phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân. Việc hoạch định cơ chế, chính sách về phòng chống tham nhũng đều phải dựa vào dân, xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân mới thực hiện được.
Xây dựng cơ chế để nhân dân thực thi quyền kiểm tra, giám sát của mình. Bởi: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”; chỉ khi có sự hỗ trợ, giúp sức của nhân dân thì phòng chống tham nhũng mới thật sự có hiệu quả và triệt để.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong 10 năm qua (2012-2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện trung ương quản lý (04 ủy viên Bộ Chính trị, 36 ủy viên trung ương, nguyên ủy viên trung ương, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Tổng kết về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cho thấy, có đến hơn 87 nghìn đảng viên bị kỷ luật. |
Vận dụng sáng tạo, hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh
Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng chống tham nhũng Đảng ta đã quán triệt, nghiên cứu, vận dụng sát với thực tiễn từng giai đoạn cách mạng. Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua đã được thực hiện quyết liệt; cơ chế, chính sách phòng chống tham nhũng đúng đắn, phù hợp và nghiêm minh; các chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã thật sự đạt hiệu quả trên thực tiễn.
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong 10 năm qua (2012-2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện trung ương quản lý (04 ủy viên Bộ Chính trị, 36 ủy viên trung ương, nguyên ủy viên trung ương, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Tổng kết về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, hơn 87 nghìn đảng viên bị ky luật.
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50 nghìn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở được quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Trong vòng 10 năm (2012-2022), đã có 8.445.300 lượt người kê khai tài sản (đạt 99,5%); các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức kiểm tra việc công khai, minh bạch tại 78.108 cơ quan, tổ chức, đơn vị; qua kiểm tra đã phát hiện, chấn chỉnh 1.068 đơn vị vi phạm.
Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động và trách nhiệm giải trình; vẫn còn vi phạm việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ và thực hiện quy tắc ứng xử; tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, trục lợi, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn biến phức tạp; công tác kiểm tra, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ; thực hiện công tác cán bộ để phòng ngừa tham nhũng có thời điểm hiệu quả chưa rõ nét.
Để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, vận dụng sáng tạo, hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng chống tham nhũng sát với tình hình, bối cảnh của đất nước, trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, xây dựng cơ chế, chính sách hiệu quả về công tác cán bộ. Đối với cán bộ, nhất là lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức, cơ quan đơn vị phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức công vụ; nêu gương, đi đầu trong phòng chống tham nhũng.
Muốn vậy, cần bổ sung, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức; phân công, phân cấp rõ ràng, quy định rõ chức trách của từng vị trí công tác; quy định rõ về tuyển dụng, tiếp nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động cũng như những hình thức xử lý, cơ chế miễn nhiệm, bãi nhiệm, cho từ chức, tạm đình chỉ chức vụ của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; các chính sách tiền lương, phụ cấp phù hợp với thực tiễn để cán bộ công chức có thể yên tâm công tác, không nảy sinh tư tưởng tham ô, tham nhũng.
Hai là, hoạch định và xây dựng chính pháp luật về phòng chống tham nhũng phải đồng bộ, thể chế hóa được đường lối chính sách của Đảng, công khai, minh bạch. Trong đó, quá trình soạn thảo, trình, ban hành chính sách, pháp luật, các quyết định, văn bản phải công khai hóa, minh bạch hóa nhưng phải tuân thủ các quy định về bí mật nhà nước; cụ thể hóa và đồng bộ với các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng như các văn bản quy phạm pháp luật trước đó; hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật…
Ba là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách “không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, thiếu sót trong quản lý kinh tế; bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” trong thực hiện cơ chế, chính sách.
Trong đó, đặc biệt chú trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; quản lý sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước; quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội…; đề ra các hình thức xử lý nghiêm hành vi đưa, nhận hối lộ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong việc tham gia đấu thầu, đấu giá, hành vi gian lận thương mại...
Bốn là, làm tốt việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, bổ sung lý luận, tham mưu để đề xuất được những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn cho Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng. Như vậy công tác xây dựng, ban hành pháp luật mới thực sự phù hợp và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Năm là, hoàn thiện chính sách pháp luật theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng.
Sáu là, xây dựng cơ chế khen thưởng rõ ràng. phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Trong đó, có chính sách động viên, khuyến khích người dân tố cáo hành vi tham nhũng; bảo vệ, khen thưởng người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng; tôn vinh tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tham nhũng.
Từ năm 2012 đến nay, Đảng ta đã ban hành hơn 250 văn bản liên quan đến phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng được sửa đổi, bổ sung như: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) đã bổ sung 4 tội danh về tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước; Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 dành một chương riêng về hoạt động phòng chống tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước... Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản dưới luật để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Có thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tương đối đầy đủ; cái cần nhất lúc này là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện. |
[*] Trường Chính trị Nguyễn Văn Linh.