📞

“Hoàng tử bé” trên những chuyến bay

10:57 | 20/06/2014
Nhà báo người Pháp gốc Việt Vincent Nguyễn đã đến khoảng 20 nước, dùng hết vài quyển hộ chiếu Và luôn mang theo cuốn sách “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Exupéry cùng bức tượng nhỏ của nhân vật nổi tiếng này…

Hơn 15 năm làm việc cho chương trình Thời sự trong nước và quốc tế của kênh France 2, ông đã có trải nghiệm của một phóng viên chiến trường. Cảm giác của ông thế nào?

Tôi đã tham gia cuộc xung đột lần thứ hai ở Palestine và chiến sự ở Afghanistan. Trong chiến tranh Iraq năm 2003, tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ và có thể nói là trải nghiệm thú vị nhất trong cuộc đời phóng viên. Từ Thổ Nhĩ Kỳ, tôi sang Iraq và ở đất nước này hai tháng cùng với phóng viên ảnh Gilles Jacquier (sau này hy sinh trong một trận bom ở Syria năm 2012). Quân đội Mỹ đã tấn công từ phía Nam Iraq, lúc tôi đang ở vùng ranh giới giữa thủ đô Badgdad và khu vực người Kurd. Dân chúng khi ấy rất hoảng sợ bởi họ nghĩ rằng Saddam Hussein sẽ ném bom khí độc như trước đó...

Đó là quãng thời gian thật căng thẳng và khắc nghiệt. Trong chiến tranh, bạn sẽ khám phá chính mình, trở thành một con người khác, mạnh mẽ hơn rất nhiều. Bạn nhận ra rằng bạn có thể làm được nhiều việc hơn là bạn nghĩ.

Giữa nhà báo, nhà làm phim, nhiếp ảnh gia và phi công, tôi nên gọi ông bằng "danh" nào?

Tất cả công việc trên đều có liên quan đến nhau và bạn đều phải có hiểu biết và ham muốn tìm hiểu thế giới. Đó là điều sẽ thôi thúc bạn đi du lịch, cảm nhận và viết lại về nó.

Có thể gọi ông là "người di chuyển" (moving man)? Khi là phóng viên phi công trong loạt phim tài liệu Par Avion (Trên máy bay) của kênh truyền hình châu Âu Arte, tại sao ông luôn mang theo cuốn Hoàng tử bé và bức tượng nhân vật này?

“Người di chuyển” thật là đúng với tôi. Tôi cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt khi ở một chỗ quá lâu... Khi là phi công, trong 18 tháng, tôi đã làm việc, di chuyển qua 10 nước. Là phóng viên, tôi cũng không nhớ hết… có lẽ khoảng 20 nước và tôi đã dùng hết vài quyển hộ chiếu.

Tôi mang theo cuốn Hoàng tử bé với lý do rất đơn giản: Đây là quyển sách mà tôi yêu thích, đầy tính văn học với rất nhiều trải nghiệm. Còn về bức tượng, đó là vật may mắn của tôi. Tôi cũng luôn mang theo điện thoại và tại sao lại không chụp lại Hoàng tử bé của mình ở nhiều nơi khác nhau.

Triển lãm "Cuộc hành trình của Hoàng tử bé" tại Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội từ ngày 1-30/6.

Đó là lý do của Triển lãm "Cuộc hành trình của Hoàng tử bé" đang diễn ra tại Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội?

Thú thật, tôi không nghĩ đến làm triển lãm cho đến khi bạn bè nói rằng tôi có bộ sưu tập ảnh tuyệt vời và tôi nên chia sẻ với mọi người. Quỹ bảo trợ Antoine de Saint-Exupery và tập đoàn Sofitel quyết định tổ chức triển lãm vòng quanh châu Á và tất nhiên tôi đồng ý. Tôi mong rằng mình sẽ có cơ hội đến đây và chụp bức ảnh mới về Hoàng tử bé của mình ở Việt Nam.

Có khi nào ông nghĩ mình là Hoàng tử bé của ngày nay?

Tôi luôn có một sự liên kết với Hoàng tử bé. Khi còn là phóng viên của Đài truyền hình Pháp, một vài người (họ không biết rằng tôi là người hâm mộ Saint-Exupery) đã gọi tôi là “Hoàng tử bé”, bởi tôi rất trẻ và có thể làm mọi việc mà tôi muốn. Có cơ hội đi du lịch và gặp gỡ nhiều người, cố gắng tìm hiểu về thế giới mà ta đang sống và tôi nhận thấy rằng mình là một Hoàng tử bé. Nhưng tôi không bao giờ có thể là Hoàng tử bé - nhân vật huyền thoại có một không hai.

Ông còn nhớ truyện cổ tích đầu tiên đã đọc? Liệu có điểm chung nào với truyện cổ tích Việt Nam?

Tôi lớn lên ở Pháp và truyện cổ tích đầu tiên tôi đọc là của nhà văn Pháp Charles Perrault (tác giả của Người đẹp ngủ trong rừng) hay truyện cổ Grimm. Thú thật tôi không biết truyện cổ tích Việt Nam nào. Không biết như vậy có đáng xấu hổ không nhưng biết đâu, một ngày nào đó tôi có thể học tiếng Việt và trở lại Việt Nam.

Hình như ông ít trở về Việt Nam? Ông sẽ tham gia vào tiến trình phát triển của Việt Nam chứ?

Tôi có cơ hội quay về Việt Nam một lần năm 1999, bắt đầu hành trình khám phá từ Bắc vào Nam. Đó là ba tuần tuyệt vời. Tôi tham quan những danh lam thắng cảnh, các thành phố và gặp gỡ những người Việt Nam thân thiện, cởi mở. Tôi cũng gặp lại những người họ hàng sống ở một ngôi làng nhỏ ở miền Trung đất nước. Và tất nhiên, nếu có thể làm một điều gì đó giúp ích cho đất nước mình phát triển, tôi sẽ làm.

Xin cảm ơn ông!

Tiểu thuyết “Hoàng tử bé” (1943) của nhà văn, phi công Pháp Antoine de Saint-Exupéry đã được dịch sang hơn 250 ngôn ngữ với hơn 200 triệu bản trên thế giới, trở thành một trong những câu chuyện được yêu thích nhất của mọi thời đại.

Triển lãm trưng bày hình ảnh những trang sách tác phẩm đầu tiên của Antoine de Saint-Exupery, các bức hình do Vincent Nguyễn chụp, lưu dấu những địa danh mà Saint-Exupéry đã đi qua và thước phim màu quý hiếm ghi lại hình ảnh tác giả khi viết "Hoàng tử bé" tại Canada năm 1942...

Hạnh Diễm (thực hiện)