Nhỏ Bình thường Lớn

Hoạt động Đầu tư ra nước ngoài: Bức tranh chưa hẳn sáng màu

Cần thẳng thắn thừa nhận, bức tranh về hoạt động Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam thời gian qua chưa thực sự có bước vượt trội.
Metfone - một thương hiệu của Viettel đang đầu tư tại Campuchia. (Ảnh minh họa)

Đầu tư của DN Việt Nam ra nước ngoài (ĐTVNRNN) đã đến thời hái quả" - đó là nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư). Theo số liệu tổng hợp của Cục Đầu tư nước ngoài, tính lũy kế đến 20/12/2012 đã có 712 dự án Việt Nam ĐTRNN còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang về 430 triệu USD tiền lãi. Riêng năm 2012, có 75 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 1,3 tỷ USD tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD, trong đó năm 2012 đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với 2011.

Đến thời "hái quả"?

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đánh giá xu hướng ĐTRNN đang có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư của Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar và vào những ngành, lĩnh vực chiến lược như dầu khí, thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông... Đồng thời, các hoạt động ĐTRNN đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động Việt Nam và hàng vạn lao động của nước tiếp nhận đầu tư. Dự kiến năm 2013, vốn đăng ký ĐTRNN của Việt Nam khoảng 1-1,5 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 1 tỷ USD.

Một ghi nhận khác của hoạt động ĐTRNN đó là, các DN Việt Nam đã không chỉ duy trì, mở rộng những thị trường truyền thống mà còn khai phá thành công nhiều thị trường mới. Ngoài các thị trường như Lào, Campuchia, Nga, Algeria... cũng đã xâm nhập các thị trường "khó tính" khác như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ... tạo cơ hội để nhiều sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước. Bên cạnh đó, nhiều dự án ĐTRNN của Việt Nam đã kích thích doanh nghiệp có những chuyển biến mạnh mẽ qua việc chuyển hoạt động từ quy mô nhỏ, ngành nghề đơn giản sang hoạt động với quy mô lớn hơn đòi hỏi có trình độ kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

Kết quả này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận xét, ĐTRNN cho phép DN tiếp cận với thị trường tốt hơn, mở rộng bạn hàng, các cơ hội đầu tư cũng như những kênh kinh doanh phù hợp với yêu cầu phát triển. Vấn đề là thiết lập các kênh để lọc lựa những dòng đầu tư chính đáng, phù hợp và hỗ trợ phát triển trong nước.

Theo GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, ĐTRNN dựa trên lý thuyết lợi nhuận cận biên. Có nghĩa khi một ngành nghề, lĩnh vực nào đó ở trong nước đã đạt lợi nhuận gần mức tối đa, DN sẽ tìm kiếm và đầu tư ở một thị trường khác có lợi nhuận cao hơn, tiềm năng lớn hơn. Những thành công bước đầu của DN Việt Nam khi ĐTRNN đã chứng minh họ đang đi đúng hướng.

Chưa nên vội mừng

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chưa nên quá hồ hởi khi hoạt động ĐTRNN mới gặt hái được vài thành quả ban đầu. Bởi đây mới chỉ bắt đầu quá trình ĐTRNN nên không phải lĩnh vực nào cũng đầu tư được. ĐTRNN mới thực sự "tăng tốc" từ năm 2006, bởi thể chế chính sách chưa hoàn chỉnh, luôn đi chậm so với thực tế; quản lý hoạt động ĐTRNN còn nhiều bất cập cả về khâu đầu tư và khâu triển khai, kết thúc dự án đầu tư; chưa xây dựng được một chiến lược ĐTRNN một cách hợp lý, lâu dài. Hoạt động ĐTRNN vẫn chủ yếu mang tính tự phát của các doanh nghiệp; các thông tin về môi trường đầu tư ở nước ngoài chưa được coi trọng; công tác xúc tiến đầu tư ở nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức; tính phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, các doanh nghiệp còn lỏng lẻo...

Ông Bùi Tất Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT), cho rằng nhiều lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề của nền kinh tế đang rất thiếu vốn và trong khi chúng ta đang nỗ lực thu hút đầu tư từ bên ngoài, việc ĐTRNN phải được cân đối và lựa chọn hợp lý. Khi vượt qua ngưỡng nghèo, xu hướng ĐTRNN sẽ tăng lên. Tuy nhiên, cần hạn chế những ngành trong nước đang có nhu cầu đầu tư.

Nhận định về khó khăn hiện nay của ĐTRNN - Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng thẳng thắn thừa nhận, thành công ban đầu sẽ không thể bền vững nếu không có những tính toán mang tính chiến lược. Thành công của thị trường này, tại quốc gia này, chưa chắc đã thành công ở thị trường khác, quốc gia khác. Đó là chưa kể đến sự ảnh hưởng của tình hình chính trị các quốc gia, sự tác động của nền kinh tế đối với sản phẩm Việt, sự khác biệt về tiêu dùng và tư duy của khách hàng… Những thách thức ấy có thể sẽ tạo ra những rủi ro bất ngờ. "Không phải đầu tư ở đâu cũng thắng. Kinh doanh ở nước ngoài luôn phải cạnh tranh với nhiều thương hiệu lớn với doanh thu và lợi nhuận cao gấp bội. Nếu không tìm ra phân khúc của thị trường nước ngoài phù hợp, DN sẽ phải lĩnh trái đắng", ông Hoàng nhấn mạnh.

Còn theo GS. Nguyễn Mại, ĐTRNN có 2 bất lợi. Thứ nhất về vốn, nếu không có sự kiểm soát, để vốn ồ ạt đổ ra nước ngoài sẽ làm sự "khát vốn" trong nước tăng thêm. Thứ hai, về lao động. ĐTRNN là sự chuyển vốn nhằm tạo ra công ăn việc làm cho người lao động ở nước DN đầu tư.

Việt Nguyễn