Hiến pháp năm 2013 Hiến định “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội (UBĐNQH) là cơ quan đầu mối trong việc tham mưu, tổ chức các hoạt động đối ngoại của Quốc hội (QH), chịu trách nhiệm thực hiện quan hệ đối ngoại với QH các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực theo sự chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội (CTQH). Hơn 2 năm qua, UBĐNQH đã phối hợp chặt chẽ với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao (BNG) và các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai công tác đối ngoại trên cơ sở quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế và Quy chế 272 của Bộ Chính trị về quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại.
Hoạt động đối ngoại trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng với tốc độ cao hơn, năm 2017 tăng 3,6%; dự báo năm 2018 tăng trưởng khả quan hơn, có thể đạt 3,8 – 3,9% so với năm 2017. Tuy nhiên các nước lớn liên tục điều chỉnh chính sách tác động mạnh đến cục diện quốc tế và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương: Trung Quốc sau Đại hội 19 đẩy mạnh triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường”; Mỹ thực hiện điều chỉnh nhiều chính sách quan trọng về đối ngoại và chính sách thương mại theo tôn chỉ “Nước Mỹ trên hết”, quan hệ Mỹ - Trung có xu hướng căng thẳng hơn. Tình hình bán đảo Triều Tiên có những chuyển biến nhanh theo xu hướng tích cực hơn. Quan hệ Mỹ - Triều tạm được khai thông với 2 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều (27/4) và Mỹ - Triều (12/6). Chủ nghĩa dân tộc, dân túy và chính trị cường quyền trỗi dậy ở nhiều nơi. Nhìn chung, những thay đổi này tạo ra nhiều cơ hội mới nhưng kèm theo đó cũng xuất hiện nhiều bất lợi, thách thức đến nền kinh tế nước ta.
TS Nguyễn Văn Giàu tại diễn đàn Quốc Hội. |
Trước tình hình đó, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng ta “độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước đạt nhiều thành tựu, vừa đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển vừa nâng cao vị thế, uy tín nước ta trong khu vực và trên thế giới. Cùng xu hướng, QH nước ta mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp nhưng nhờ nắm bắt kịp thời và ứng xử linh hoạt tại các diễn đàn nhất là diễn đàn đa phương nên quan hệ giữa QH nước ta với Nghị viện các nước tiếp tục được duy trì và thúc đẩy theo đúng định hướng chiến lược đối ngoại của đất nước trên cả hai bình diện song phương và đa phương.
Ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, các hoạt động ngoại giao song phương của UBTVQH đặc biệt hoạt động của CTQH đã thăm QH các nước: Lào, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Australia, Singapore. Đồng thời, QH nước ta đã đón nhiều đoàn Chủ tịch/Phó CTQH các nước như: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Bangladesh, Mông Cổ và Sri Lanka, Australia. Các chuyến thăm này đạt kết quả tốt đẹp, thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao vai trò của QH nước ta cũng như quan hệ hữu nghị hợp tác ngày càng phát triển giữa QH nước ta với quốc hội các nước. Các chuyến thăm chính thức cùng với các hoạt động chào mừng nhân Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào và Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã thành công tốt đẹp, góp phần củng cố tình đoàn kết đặc biệt, mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa QH và nhân dân Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia. Dấu ấn đậm nét của đối ngoại QH trong năm 2016 phải kể đến đó là việc QH Việt Nam đón Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Trung Quốc do Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Chủ tịch QH) dẫn đầu thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2016 thành công tốt đẹp. Đây là chuyến thăm Việt Nam cấp cao nhất của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc trong năm 2016, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ giữa QH Việt Nam và Nhân đại Trung Quốc và là chuyến thăm của người đứng đầu cơ quan lập pháp Trung Quốc sau 15 năm kể từ chuyến thăm của CTQH Trung Quốc Lý Bằng tháng 9/2001. Trong các hoạt động đối ngoại nêu trên, Chủ tịch và các Phó CTQH nước ta đã trao đổi với các vị đứng đầu Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ các nước về phương hướng và các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh quốc phòng, văn hóa...; đẩy mạnh hợp tác QH, trao đổi kinh nghiệm về lập pháp, giám sát; thúc đẩy hợp tác của các cơ chế Nghị sỹ hữu nghị, nữ nghị sỹ, nghị sỹ trẻ. QH nước ta đã ký Thỏa thuận hợp tác mới với QH Ấn Độ, Bangladesh, Morocco và ký bổ sung thỏa thuận hợp tác với QH Lào, tạo cơ sở để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác nghị viện với các nước trên trong thời gian tới.
Ở khu vực châu Âu, hoạt động đối ngoại của QH với nghị viện các nước diễn ra khá sôi động và phong phú. Đáng chú ý, các chuyến thăm chính thức Thụy Điển, Hungari, Séc, Kazakhstan, Hà Lan của CTQH không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nghị viện, quan hệ hợp tác song phương giữa nước ta với các nước Bạn trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học và công nghệ, văn hóa, giáo dục-đào tạo, chuyến thăm của CTQH nước ta còn có ý nghĩa quan trọng trong việc vận động, tranh thủ sự ủng hộ của Nghị viện các nước này trong việc thúc đẩy sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, thúc đẩy hợp tác giữa nước ta và EU nói chung. Theo đó, hoạt động nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với nhóm nghị sĩ hữu nghị nghị viện các nước châu Âu cũng góp phần đáng kể tạo mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Quốc hội Việt Nam cũng đã đón nhiều đoàn cấp Chủ tịch/Phó Chủ tịch nghị viện các nước châu Âu đến thăm và làm việc: Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga; Chủ tịch Thượng viện Thụy Sỹ; Phó Chủ tịch Hạ viện Anh. Tại các cuộc tiếp xúc và làm việc, hai bên đã trao đổi thẳng thắn về các vấn đề quan tâm, làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường quan hệ hợp tác giữa QH nước ta với QH /Nghị viện các nước. Bên cạnh các chuyến thăm cấp cao, QH nước ta và nghị viện các nước Châu Âu đã tiến hành nhiều hoạt động tiếp xúc, trao đổi Đoàn các cấp. Với Nghị viện Châu Âu (EP), quan hệ được duy trì thông qua các chuyến thăm Việt Nam của đoàn Tiểu ban Nhân quyền, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế và các hoạt động tiếp xúc song phương giữa các nghị sĩ QH hai bên tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới.
Ở khu vực Trung Đông - châu Phi, các hoạt động song phương và trao đổi đoàn tiếp tục được thúc đẩy và có nhiều bước phát triển mới, đáp ứng mục tiêu chính trị đề ra và đạt được một số kết quả nhất định. Điều này thể hiện qua: chuyến thăm Morocco, Madagascar, Tanzania của Phó CTQH Phùng Quốc Hiển; chuyến thăm Nam Phi, Iran của Phó CTQH Đỗ Bá Tỵ. Quốc hội nước ta đã đón: Chủ tịch Hạ viện Morocco, CTQH Iran. Kết quả các chuyến thăm góp phần đẩy mạnh hợp tác nghị viện giữa QH nước ta với các nước này, đóng góp cho chính sách tổng thể phát triển quan hệ giữa nước ta và các quốc gia khu vực Trung Đông – Châu Phi.
Ở khu vực Mỹ Latin, nổi bật có chuyến thăm Việt Nam của CTQH Cuba và chuyến thăm Cuba của Phó Chủ tịch Thường trực QH Việt Nam Tòng Thị Phóng. Các chuyến thăm lẫn nhau của Lãnh đạo cấp cao QH hai nước và nội dung trao đổi thiết thực giữa hai bên thể hiện sự trọng thị, tình cảm đặc biệt giữa những người đồng chí, anh em, quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa QH hai nước, đồng thời đóng góp quan trọng cho việc giữ gìn và phát triển quan hệ đoàn kết, ủng hộ và hợp tác toàn diện Việt Nam - Cuba. Đặc biệt chuyến thăm Argentina của Phó CTQH Đỗ Bá Tỵ gần đây tạo ra nhiều triển vọng hợp tác 2 nước.
Với Hoa Kỳ, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump có điều chỉnh nhiều chính sách về đối ngoại, hai bên tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước tập trung vào các lĩnh vực cụ thể. Chuyến thăm Hoa Kỳ gần đây của Phó CTQH Đỗ Bá Tỵ giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau nhất nhà những vấn đề khu vực và thế giới. Quốc hội Việt Nam đón nhiều đoàn nghị sĩ và trợ lý nghị sĩ Hoa Kỳ thăm Việt Nam như đoàn Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, trợ lý Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Các hoạt động trao đổi, tiếp xúc thường xuyên thể hiện sự quan tâm của các nghị sĩ, cố vấn Hoa Kỳ đối với quan hệ hai nước; coi trọng kênh ngoại giao nghị viện với nước ta, đồng thời cũng chỉ ra rằng đối ngoại nghị viện là kênh ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt và hiệu quả trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Có thể nói, các hoạt động đối ngoại song phương từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIV đến nay được triển khai hết sức thành công, đóng góp thiết thực vào việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển.
Trong hoạt động quan hệ đa phương, với phương châm tích cực và chủ động trong các hoạt động đối ngoại, QH Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn nghị viện đa phương khu vực và thế giới quan trọng, thể hiện hình ảnh một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của nước ta, nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Chủ tịch QH và các Phó CTQH Việt Nam tham gia hầu hết các hoạt động của Liên minh nghị viện thế giới (IPU) và các Liên minh nghị viện khu vực. Đặc biệt tại Hội nghị Thượng đỉnh các nữ CTQH thế giới lần thứ XI mặc dù đây là lần đầu tiên CTQH nước ta dự Hội nghị thượng đỉnh này nhưng với uy tín cá nhân và vị thế của Việt Nam nên CTQH được mời đồng chủ trì một phiên họp quan trọng.
Quốc hội Việt Nam tích cực đề xuất và tạo dấu ấn nhiều chương trình nghị sự thiết thực cho các diễn đàn nghị viện khu vực, liên khu vực và toàn cầu, như IPU, ASEP, APPF, AIPA, IPU, APF và một số tổ chức liên nghị viện khác mà QH nước ta là thành viên. Tại IPU-137, lần đầu tiên đoàn Việt Nam được đề cử báo cáo chính tại phiên thảo luận của Ủy ban phát triển bền vững, tài chính, thương mại với chủ đề “cam kết phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình thực thi chương trình phát triển bền vững của LHQ, đặc biệt là phát triển năng lượng tái tạo”. Đặc biệt, tại phiên họp toàn thể chiều ngày 27/10/2016, Đại hội đồng IPU lần thứ 135 đã bầu Chủ nhiệm UBĐNQH Nguyễn Văn Giàu vào Ban Chấp hành IPU nhiệm kỳ 2016-2019.
Bên cạnh đó, dấu ấn quan trọng trong hoạt động đối ngoại đa phương của QH từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIV đến nay, tiếp nối sự thành công của Đại hội đồng IPU 132 tại Hà Nội năm 2015, QH Việt Nam đã phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tổ chức thành công Hội nghị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về “Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững” tại Tp. Hồ Chí Minh (11-13/05/2017). Đây là một trong các Hội nghị chuyên đề triển khai việc thực hiện SDG trong khuôn khổ hoạt động của IPU về SDGs với sự tham dự của Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Nghị viện nhiều nước trong khu vực như Philippines, Myanmar, Timor Leste, Lào, Fiji, Thái Lan, Tổng Thư ký AIPA và 124 đại biểu quốc tế đến từ Nghị viện của 23 nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cùng đại diện của các tổ chức quốc tế, một số Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam. Gần đây QH Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) với sự tham dự của 22 đoàn nghị viện thành viên với 356 khách quốc tế, trong đó có 7 Trưởng đoàn cấp CTQH, 10 Trưởng đoàn cấp Phó CTQH, đặc biệt có sự tham dự của Chủ tịch IPU, Tổng thư ký IPU, nguyên Chủ tịch IPU. Thành công của APPF-26 là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại QH nhiệm kỳ QH khóa XIV, góp phần vào thành công chung của các hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội - dấu ấn đặc biệt của APPF trong 25 năm qua, xác định những định hướng lớn cho hợp tác liên nghị viện trong khu vực tới năm 2030; sửa đổi điều lệ đưa Hội nghị nữ nghị sỹ trở thành chương trình chính thức từ năm 2019 và thông qua 13 nghị quyết thiết thực về những vấn đề nổi lên trong khu vực về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh. Việc đăng cai tổ chức APPF-26 là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại QH khóa XIV.
Các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương đã khẳng định bước tiến mới quan trọng của ngoại giao nghị viện Việt Nam, thể hiện sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của QH nước ta tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung và QH Việt Nam nói riêng trong khu vực và trên thế giới...
Song song với hoạt động đối ngoại trên, UBĐNQH và các cơ quan của Chính phủ cũng đã phối hợp rất chặt chẽ trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật liên quan đến hoạt động đối ngoại; trình QH thông qua Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào; Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam và Lào, góp phần quan trọng xây dựng đường biên giới quốc gia ổn định, hòa bình và phát triển. Đặc biệt tại kỳ họp QH lần thứ 4 (tháng 10/2017), UBĐNQH đã phối hợp với BNG trình QH dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài để quy chuẩn hóa các hoạt động của cơ quan đại diện. Luật đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn Đại sứ, cán bộ cơ quan đại diện; công tác thông tin đối ngoại, phối hợp với các đoàn công tác và cụ thể hóa một số chính sách quản lý tài chính như tách kinh phí hoạt động của bộ phận thương vụ, cải tiến thủ tục tạo thuận lợi việc xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cho cơ quan đại diện, chính sách cho người đi cùng và chính sách về hiếu cho cán bộ cơ quan đại diện. Đạo Luật này đã được 100% đại biểu QH bỏ phiếu tán thành.
Hơn 2 năm đầu nhiệm kỳ QH khóa XIV, các hoạt động đã thể hiện sự nối tiếp những thành quả hoạt động đối ngoại QH các nhiệm kỳ trước đó và những thành tựu hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại của QH đã góp phần tăng cường sự hiểu biết của bạn bè quốc tế về Việt Nam, phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, phát huy lợi thế vừa “nhà nước”, vừa “nhân dân”, hoạt động đối ngoại của QH có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công chung trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Trong thời gian tới, tiếp tục phát huy vị trí, vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại giao nghị viện trong tổng thể ngoại giao nhà nước, công tác đối ngoại QH tiếp tục phối hợp với đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
TS. Nguyễn Văn Giàu - Uỷ viên Trung ương Đảng,
Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội