Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường phát biểu tại Hội thảo về di sản Hồ Chí Minh, sáng ngày 29/10 tại Nghệ Anh. (Ảnh: D.H) |
Sinh thời trong giai đoạn lịch sử thế giới có nhiều biến động, đất nước bị đô hộ, năm 1911, khi mới 21 tuổi, Hồ Chí Minh đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Trên hành trình đó, Người đã đặt chân lên các châu lục, sinh sống, làm việc, nghiên cứu tại nhiều quốc gia, tiếp xúc nhiều nền văn minh, nhiều dân tộc trên thế giới. Những nơi Người đã đi qua, thậm chí những nơi Người chưa từng tới nhưng tư tưởng, giá trị nhân văn, đạo đức và nhân cách của Hồ Chí Minh có sức lôi cuốn, lan tỏa mãnh liệt, đã tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, công lý, dân chủ và tiến bộ xã hội. Người đã để lại nhiều tình cảm hữu nghị với nhân dân thế giới, được các nước và bạn bè quốc tế trân trọng và giữ gìn. Các giá trị tư tưởng của Người có tính phổ quát, vượt thời đại như: độc lập dân tộc, giải phóng con người, đoàn kết với quốc gia, coi trọng đa dạng văn hóa, diệt giặc dốt gắn với xóa nạn mù chữ; học tập suốt đời gắn với giáo dục toàn cầu; trồng cây gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái… Vì vậy, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết kỷ niệm 100 năm ngày sinh và vinh danh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Nhà văn hóa kiệt xuất”.
Bộ Ngoại giao luôn tự hào khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị Bộ trưởng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chí Minh chính là người khai sinh nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, trong đó có ngoại giao văn hóa – nhằm tạo động lực mới cho ngoại giao Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế. Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa yêu nước, văn hoá dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, tinh hoa - văn hoá của nhiều dân tộc phương Đông và phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới.
Phạm vị rộng lớn, hình thức đa dạng
Trong thời gian qua, được sự ủng hộ của các nước trên thế giới, các hoạt động ngoại giao văn hóa thông qua việc tôn vinh Bác đã và đang được triển khai ở khắp các châu lục thông qua mạng lưới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hình thức tôn vinh, cụ thể:
Một là, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai linh hoạt, thực chất việc “học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hướng tới đối tượng là người Việt Nam nước ngoài. Bên cạnh đó, có nhiều người nước ngoài tham gia thông qua việc các cuộc thi sáng tác, viết và sưu tầm tư liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Hai là, tổ chức mít-tinh, nói chuyện, tọa đàm, triển lãm, hội thảo… nhân kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Quốc Khánh Việt Nam và các sự kiện quan trọng khác. Các hoạt động trên nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các chính đảng, giới học giả, truyền thông của sở tại và phát huy được hiệu quả tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, nhân cách và sự thiên tài của Hồ Chí Minh dưới cả hai góc độ “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Nhà văn hóa kiệt xuất”.
Ba là, xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sách báo, phim ảnh… về Hồ Chí Minh. Riêng đối với sách, trong thời gian qua, đã có gần 40 cuốn sách của các tác giả nước ngoài về Người. Đây là một hình thức phổ biến trong việc vinh danh ở nhiều nước. Các buổi giới thiệu và phát hành ấn phẩm cũng là những cơ hội để thế hệ trẻ hiểu biết về Hồ Chí Minh và về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Bốn là, xây dựng, tu sửa các khu di tích tưởng niệm, bảo tàng, công viên, xây dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại những nơi Người đã từng sống và hoạt động. Tính đến nay, ta đã có 35 tượng/ tượng đài Bác ở 20 nước, 16 khu tưởng niệm và công viên mang tên Bác; 6 bia tưởng niệm, 5 trường học mang tên Bác ở nước ngoài. Các công trình này là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và sở tại, là nơi lưu giữ kỷ niệm về Người và là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu với người dân, bạn bè quốc tế, qua đó giúp tăng cường mối quan hệ.
Bốn ý nghĩa to lớn
Với những hình thức tôn vinh Bác như đã nêu ở trên, trong thời gian qua ngoại giao văn hóa thông qua tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt được những mục tiêu, ý nghĩa to lớn, cụ thể là:
Thứ nhất, góp phần đề cao và phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh Bác đã góp phần quảng bá đến bạn bè quốc tế một cách chân thực, sống động và thuyết phục về lịch sử hào hùng, văn hóa độc đáo, đất nước tươi đẹp và con người thân thiện, cần cù, sáng tạo, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các dân tộc, quốc gia trên thế giới.
Thứ hai, góp phần phát triển và làm sâu sắc thêm quan hệ nhiều mặt, nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Với việc sở tại ủng hộ, hưởng ứng các hình thức tôn vinh Bác đã góp phần làm cho chính quyền, các giới và nhân dân sở tại hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó góp phần thiết thực vào việc củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, xây dựng lòng tin với các nước.
Thứ ba, góp phần nâng cao tinh thần tự hào dân tộc, giúp gắn kết, củng cố và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, hướng họ về quê hương, tăng cường khối đoàn kết dân tộc.
Thứ tư, góp phần sưu tầm, lưu giữ, bảo vệ và phát huy những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại dấu tích, dưới cả góc độ vật thể và phi vật thể. Công tác này góp phần củng cố thêm những minh chứng khách quan về tư tưởng, đạo đức và nhân cách cao đẹp của Người.
Việc vinh danh Hồ Chí Minh xuất phát từ sự yêu mến, tình cảm chân thành của Chính quyền, người dân thế giới, có được những kết quả tốt đẹp như thời gian qua, góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam với các nước như nêu trên, thay mặt Bộ Ngoại giao, tôi xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới các Ngài Đại sứ/ Trưởng Cơ quan Đại diện, Đoàn ngoại giao tại Việt Nam, các cơ quan hữu quan và người dân các nước, đã chủ động có các hình thức vinh danh Hồ Chí Minh cũng như tạo điều kiện để các hoạt động vinh danh vị lãnh tụ kính yêu của Việt Nam ở các nước được thực hiện.