📞

Kết hôn đang ngày càng lỗi thời?

22:39 | 10/06/2016
Dù nhiều người không quan tâm, nhưng một xu hướng hiện đang diễn ra tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới: Ngày càng có ít cặp đôi đi đến hôn nhân.

Ở Mỹ, số lượng lễ cưới đạt đỉnh điểm vào đầu những năm 80 của thế kỉ XX, khi mỗi năm có khoảng 2,5 triệu lễ cưới được tổ chức. Tuy nhiên, kể từ đó, số người kết hôn giảm đáng kể. Đến nay, chỉ có khoảng 2 triệu đám cưới được tổ chức mỗi năm, giảm khoảng 500.000 đám cưới so với đỉnh điểm trước đây.

Vì vậy, chỉ hơn một nửa người trưởng thành tại Mỹ nói rằng họ đang sống với vợ/chồng của mình. Đây là con số thấp nhất từng được ghi nhận, so với con số 70% vào năm 1967.

Điều gì dẫn đến xu hướng này? Liệu kết hôn đang ngày càng lỗi thời? Và tại sao chúng ta cần phải quan tâm đến vấn đề này?

(Nguồn: Upstatelawsc)

Tỉ lệ kết hôn giảm dần đều

Dù cho dân số Mỹ vẫn đang tăng lên, sự giảm sút về tỉ lệ kết hôn tại nước này rất đáng quan ngại. Trên thực tế, tỉ lệ kết hôn hiện nay là thấp nhất trong suốt 150 năm qua.

Vào cuối những năm 80 của thế kỉ XIX, có khoảng 9/1000 người Mỹ kết hôn mỗi năm. Sau khi tăng lên vào đầu những năm đầu thế kỷ XX trong suốt Thế chiến I, tỉ lệ kết hôn giảm mạnh trong thời kì Đại Suy thoái khi ngày càng ít người có đủ khả năng tổ chức được một lễ cưới.

Tỉ lệ này tăng mạnh trở lại sau Thế chiến II khi những quân nhân trở về nhà và lấy vợ, sinh con. Nhưng kể từ đầu những năm 80 của thế kỉ XX, tỉ lệ kết hôn giảm dần đều cho đến khi chạm đáy vào năm 2009, khi chỉ khoảng 7/1000 người kết hôn mỗi năm.

Xu thế toàn cầu

Không chỉ tại Mỹ, thực trạng này cũng đang diễn ra tại nhiều nơi khác trên thế giới. Liên hợp quốc đã tập hợp dữ liệu từ khoảng 100 quốc gia, thể hiện sự thay đổi tỉ lệ kết hôn từ năm 1970 đến năm 2005. Tỉ lệ này có xu hướng giảm tại 80% số quốc gia được khảo sát.

Ví dụ, tỉ lệ kết hôn tại Australia đã giảm từ 9,3 lễ kết hôn trên 1000 người vào năm 1970 chỉ còn 5,6 lễ kết hôn trên 1000 người vào năm 2005. Tại Ai Cập, tỉ lệ này giảm từ 9,3 xuống còn 7,2. Và tại Ba Lan, tỉ lệ kết hôn giảm từ 8,6 xuống chỉ còn 6,5.

Xu hướng này xuất hiện tại cả các nước giàu và nước nghèo. Và rõ ràng xu thế này không liên quan đến yếu tố địa lí vì tỉ lệ kết hôn giảm rõ nhất tại Cuba (từ tỉ lệ 13,4 xuống chỉ còn 5) trong khi tỉ lệ kết hôn tăng mạnh nhất tại đảo quốc Jamaica – nước láng giềng của Cuba.

Một số người cho rằng, khoảng cách thu nhập giàu nghèo ngày càng tăng là nguyên nhân của thực trạng này. Những người khác đưa ra quan điểm rằng những phụ nữ có giáo dục và có thu nhập cao thường kén chọn. Một số người khác lại nghĩ chi phí nhà ở và sinh hoạt đắt đỏ đã khiến nhiều người trì hoãn kết hôn. Số còn lại nói rằng hôn nhân chỉ là một truyền thống cũ kĩ, lạc hậu và không còn cần thiết nữa…

Sống thử tốt hơn?

Một kiến giải phổ biến khác cho rằng, ngày càng nhiều cặp đôi chỉ thích sinh sống cùng nhau mà không cần cưới xin chính thức. Hiện tượng này được gọi là sống thử.

Ở Mỹ, tỉ lệ người sống thử đang ngày càng gia tăng. Cụ thể, vào năm 1970, chỉ 0,5% người trưởng thành nước này sống thử. Ngày nay, con số này đã tăng lên đến 7,5%. Tuy vậy, xu hướng này vẫn không phải là lí do chính để giải thích cho thực trạng tỉ lệ kết hôn giảm sút trong nhiều thập kỉ qua. Vào cuối những năm 60 của thế kỉ trước, hơn 70% người trưởng thành ở Mỹ hoặc kết hôn hoặc là sống thử. Thế nhưng, dữ liệu thu thập gần đây cho thấy chưa đến 60% người trưởng thành đang sống cùng nhau, dù tính cả những cặp đôi kết hôn và sống thử.

Điều này có nghĩa là ngày càng ít người sống cùng với nhau thành một đôi. Số người sống độc thân không vợ/chồng, con cái hay bạn bè đã tăng lên gấp đôi. Số người sống một mình tại Mỹ vào cuối những năm 60 của thế kỉ XX là 8%, trong khi con số ngày nay đã lên tới 15%.

Chi phí và lợi ích của hôn nhân

Vậy tại sao tỉ lệ kết hôn lại giảm sút trên toàn thế giới, trong khi những người sống một mình là ngày càng nhiều lên? Có thể, câu trả lời chính là chi phí hôn nhân vượt quá lợi ích mà nó có thể mang lại.

Những lợi ích của hôn nhân rất nhiều và ai ai cũng biết: Trẻ em được nuôi dưỡng tốt hơn, tội phạm giảm bớt, tuổi thọ tăng lên và cuộc sống hạnh phúc hơn. Tuy vậy, theo như nhà khoa học Gary Becker đã chỉ ra trong lí thuyết về hôn nhân của mình, những lợi ích này không phải tự dưng mà đến.

Hôn nhân là một công việc vất vả. Sống với một ai khác thì phải quan tâm đến cảm xúc, tâm trạng, nhu cầu, mong muốn của người đó. Vì thế, một người cần phải đầu tư không ít thời gian, cảm xúc và tiền bạc để có được một cuộc hôn nhân trọn vẹn.

Nhiều thập kỉ trước đây, mọi người thấy rằng, lợi ích của hôn nhân vượt quá những khoản “chi phí đầu tư” này, nhưng ngày nay nhiều người lại thấy lợi ích của hôn nhân không xứng đáng với những gì mà họ phải bỏ ra.

Xã hội đang ngày càng hướng sự quan tâm đến các cặp đôi. Tuy vậy, nếu xu thế này vẫn cứ tiếp tục diễn ra, thì những người độc thân ngày càng nhiều có lẽ sẽ bắt đầu sử dụng áp lực chính trị để bãi bỏ những luật ủng hộ và ưu tiên cho những cặp đôi. Và ngoài ra, những người độc thân còn có thể xích lại gần nhau để ngấm ngầm phân biệt và cách ly với những người sống cặp đôi. Câu hỏi được đặt ra là việc chuyển dịch chính sách này sẽ diễn ra với quy mô và mức độ như thế nào cũng như nó sẽ bắt đầu diễn ra khi nào.

(theo The Conversation)