Yuwen (33 tuổi) đã thất nghiệp hơn 6 tháng. Vài ngày trước Tết Nguyên đán, anh nói: "Nếu được lựa chọn, tôi chắc chắn sẽ không về nhà".
Tin liên quan |
Mang Tết Việt đến với người Pháp ở thành phố Lorient |
Nhiều người trong số gần 380 triệu người xa quê ở Trung Quốc chỉ về nhà mỗi năm một lần vào Tết Nguyên đán.
Đó là lý do tại sao "Xuân vận" (làn sóng di chuyển tại nước này vào mỗi dịp Tết đến Xuân về) được coi là cuộc di cư hàng năm lớn nhất thế giới. Các nhà chức trách dự kiến Xuân vận trong năm Rồng này sẽ đạt đến kỷ lục 9 tỷ chuyến đi.
Nhưng Yuwen thì khác, anh sợ về quê vì biết sẽ bị người thân tra hỏi về mọi khía cạnh của cuộc sống, đặc biệt là tình hình công việc, bao gồm tiền lương và phúc lợi.
Kinh tế khó khăn
Cha mẹ Yuwen biết anh đã mất việc và cũng cảm thông với điều đó. Họ đồng ý với con trai mình cách tốt nhất là nói dối người thân rằng anh vẫn đang làm công việc cũ. Trước đây, Yuwen ở hơn một tuần với người thân vào dịp Tết, nhưng giờ thời gian đó rút xuống còn ba ngày.
Yuwen đang thất nghiệp nên ngại gặp người thân vào dịp Tết vì sợ bị hỏi về tình hình công việc. (Nguồn: BBC) |
Trên các mạng xã hội lớn của Trung Quốc, hàng trăm thanh niên cũng cho biết năm nay họ không về nhà đón Tết. Giống như Yuwen, một số người trong đó cũng đang lâm vào tình cảnh thất nghiệp.
Dữ liệu chính thức công bố vào tháng 6/2023 cho thấy, hơn 1/5 cư dân thành phố trong độ tuổi từ 16 - 24 ở Trung Quốc đang thất nghiệp. Chính quyền sau đó đã ngừng công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên cho đến tháng 1/2024. Con số hiện ở mức 14,9%, chưa bao gồm sinh viên.
Tại thành phố Thâm Quyến, huấn luyện viên thể hình Qingfeng đã quyết định tự mình đi du lịch nhân dịp Tết Nguyên Đán.
Anh nói dối bố mẹ rằng mình không mua được vé để về quê. Qingfeng nói: "Ai chẳng muốn về nhà đón năm mới chứ? Nhưng tôi chỉ thấy xấu hổ thôi".
Sau khi rời quân ngũ vào năm 2019, Qingfeng bắt đầu làm huấn luyện viên thể hình và cho biết anh có thể kiếm được khoảng 20.000 nhân dân tệ (khoảng 68 triệu đồng) mỗi tháng ở Thượng Hải. Năm ngoái, anh chuyển đến Thâm Quyến để sống gần hơn với người bạn gái đang học tập tại Hong Kong.
Chàng trai 28 tuổi tìm được việc làm tại một công ty thương mại nước ngoài vì muốn có công việc ổn định hơn, nhưng mức lương chỉ là 4.500 nhân dân tệ (hơn 15 triệu đồng) một tháng.
Số tiền này không đủ để anh đảm bảo cuộc sống vì tiền thuê nhà hàng tháng ở Thâm Quyến ít nhất là 1.500 nhân dân tệ (hơn 5 triệu đồng).
Sau khi nghỉ việc hai tháng, Qingfeng đã tìm được công việc mới tại một phòng tập thể hình sẽ mở cửa sau kỳ nghỉ Tết, nhưng anh vẫn không muốn quay về gặp gia đình vì đã mất gần hết số tiền tiết kiệm vào năm ngoái vì thất bại trên thị trường chứng khoán.
Đầu tháng 2/2024, chứng khoán Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Qingfeng cũng không chắc mình có thể xây dựng được lượng khách hàng tại phòng tập mới do kinh tế suy thoái, vì nhiều phòng tập lớn đã phải đóng cửa vì việc kinh doanh không hiệu quả dẫn đến nợ nần chồng chất.
Áp lực kết hôn
Nhưng điều kiện kinh tế không phải là lý do duy nhất ngăn cản nhiều thanh niên Trung Quốc về nhà vào dịp Tết. Một số phụ nữ độc thân, như Xiaoba cho biết, họ không muốn bị gia đình gây áp lực phải kết hôn và ổn định cuộc sống.
Nữ giám đốc dự án 35 tuổi nói: "Tôi đã đi làm khắp cả nước. Bất cứ khi nào tôi lên thành phố, mẹ tôi sẽ tìm một người đàn ông và bảo tôi đi xem mắt. Điều đó thật quá đáng", .
Tỷ lệ sinh thấp khiến Trung Quốc lo ngại rằng đất nước này sẽ mất đi lực lượng lao động trẻ, lực lượng chủ chốt thúc đẩy nền kinh tế.
Theo số liệu chính thức, giới trẻ ngày càng ngại kết hôn và sinh con, đồng thời số lượng người đăng ký kết hôn đã giảm trong 9 năm liên tiếp. Mặc dù chính phủ không ngừng thực hiện các biện pháp thúc đẩy kết hôn và sinh con, nhưng những nỗ lực đó cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả.
Xiaoba không còn lo lắng về việc kết hôn và đang tận hưởng cuộc sống của mình. Cô đón Tết Nguyên đán cùng chú mèo cưng và xem chương trình Gala đón Xuân hoành tráng của CCTV tại căn hộ thuê ở Thâm Quyến.
Về phần mình, Yuwen hy vọng Tết Nguyên đán tới sẽ tốt đẹp hơn. "Tôi tin mình sẽ làm được vì tôi quyết tâm. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc". Nhưng Yuwen cho rằng vẫn có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Anh nói: "Tôi không quá lạc quan về nền kinh tế năm 2024".
(theo TTXVN)
| Biệt thự Pháp cổ du hút khách tham quan sau thời gian trùng tu Ngay khi mở cửa, tòa biệt thự ở góc phố Trần Hưng Đạo- Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã khiến mọi du khách ... |
| Tết Nguyên đán có ý nghĩa như thế nào với người Việt? Không chỉ là dịp để vui chơi sau một năm dài bận rộn, Tết Nguyên đán còn là dịp để người đi xa trở về ... |
| Nhìn thấy Việt Nam trong nhịp sống Kuwait Kuwait là một quốc gia Arab hiện diện nhiều nét văn hoá, tôn giáo khác nhau điểm xuyết trên một bức tranh lớn với tâm ... |
| Đưa công nghiệp văn hoá ở Việt Nam trở thành lĩnh vực đột phá mới trong phát triển bền vững Phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, là “dòng chảy”, là xu thế, đang dần trở thành động ... |
| Mang Tết Việt đến với người Pháp ở thành phố Lorient Ngày 11/2 (tức ngày mùng 2 Tết Giáp Thìn), sự kiện Tết Việt mang tên 'Tết Thăng Long' đã được tổ chức tại Trung tâm ... |