📞

Học giả Indonesia: Jakarta cần giữ 'cái đầu lạnh' trước các đề xuất của Trung Quốc ở Biển Đông

Hồng Phúc 20:00 | 30/08/2020
TGVN. Trong bài viết trên trang mạng của Viện Lowy (Australia), học giả Aristyo Rizka Darmawagn* cho rằng Jakarta không nên can dự vào bất kỳ đề xuất nào của Trung Quốc liên quan đến hoạt động phát triển chung ở Biển Đông.
Indonesia cần tỉnh táo trước các đề xuất của Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Jakarta lâu nay vẫn tỏ rõ lập trường của mình là một nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, khẳng định mối quan tâm chính trong tranh chấp lãnh hải này là duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực bằng cách đóng vai trò là một nước trung gian không thiên vị. Tuy nhiên, điều này không cản trở Trung Quốc tìm cách lôi kéo Indonesia đi theo tầm nhìn của Trung Quốc về Biển Đông.

Bắc Kinh đã đưa ra một số đề xuất phát triển chung ở Biển Đông từ năm 2017, chủ yếu nhắm vào Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên, Indonesia cũng có “bóng dáng” trong các đề xuất này. Ví dụ, Trung Quốc đề xuất việc thiết lập một Cơ quan Quản lý Tài nguyên Trường Sa (SRMA) với các thành viên không chỉ đến từ các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông như Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam và Philippines mà còn cả Indonesia.

Giải thích điều này, trong một bài viết đăng tải hồi năm 2019 trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Á đương đại, học giả Huaigao Qi thuộc Đại học Phúc Đán cho rằng mục tiêu của Trung Quốc là đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy một khu vực hòa bình và ổn định, cũng như phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các nước duyên hải khác và giảm cạnh tranh Mỹ-Trung trong khu vực tranh chấp.

Tuy nhiên, khi đề xuất Jakarta tham gia SRMA, dường như Bắc Kinh đã bỏ ngoài tai thông điệp của Indonesia. Việc công khai hàng loạt các công hàm ngoại giao mà hai nước đưa ra gần đây cho thấy rõ ràng rằng Indonesia lo lắng về ý định của Trung Quốc, và đúng là như vậy. Jakarta không nên can dự vào bất kỳ đề xuất nào của Trung Quốc liên quan đến hoạt động phát triển chung ở Biển Đông.

Indonesia đưa ra lập trường rõ ràng rằng nước này không phải là một bên tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ thực thể nào ở Biển Đông, vì vậy không có sự phân định lãnh hải nào đang chờ phán xét với Bắc Kinh. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn đơn phương khẳng định rằng Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia trùng lắp với cái gọi là tuyên bố “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Indonesia kiên quyết phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế hồi năm 2016 vốn khẳng định tuyên bố “Đường 9 đoạn” của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý theo luật quốc tế đã ủng hộ quan quan điểm và lập trường của Jakarta. Chỉ riêng lý do này cũng đủ cho thấy không có cơ sở nào để Indonesia tham gia vào bất kỳ thỏa thuận phát triển chung nào với Trung Quốc.

Ngoài ra, để thiết lập một hoạt động khai thác chung ở khu vực tranh chấp, Trung Quốc cần phải có một tuyên bố chủ quyền hợp pháp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Việc hợp tác với Trung Quốc chẳng khác nào việc hợp thức hóa các tuyên bố chủ quyền của Indonesia ở Biển Đông, một động thái vốn sẽ hoàn toàn đi ngược lại các lợi ích và mối quan tâm của Indonesia.

Trung Quốc chưa từng đáp lại các yêu sách ngoại giao của Indonesia về việc làm sáng tỏ cơ sở pháp lý của "Đường 9 đoạn". Trong bài viết được đề cập ở trên, ông Huaigao bình luận rằng Bắc Kinh chủ ý duy trì tình trạng mập mờ về cả hoạt động phát triển chung và cơ sở pháp lý của "Đường 9 đoạn" nhằm nỗ lực tránh bất kỳ nguy cơ leo thang căng thẳng nào ở vùng lãnh hải tranh chấp, đồng thời duy trì mối quan hệ với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Đây dường như là sự giải thích mang tính hào phóng, ngay cả khi ông thừa nhận rằng nếu Trung Quốc thực hiện thêm bất kỳ hành động quân sự nào ở vùng biển tranh chấp này thì mối quan hệ của họ với các nước ASEAN có cùng tranh chấp sẽ xấu đi.

Không có lý do nào để kỳ vọng rằng chính sách này của Bắc Kinh nhằm duy trì tính mơ hồ của "Đường 9 đoạn" sẽ sớm thay đổi. Khi sự mơ hồ và mập mờ này còn tồn tại thì khó có thể đặt niềm tin vào Trung Quốc trong việc đàm phán bất kỳ hoạt động phát triển chung nào mà Bắc Kinh đề xuất với Jakarta.

Theo luật quốc tế, Indonesia có quyền chủ quyền đối với EEZ của nước này ở vùng lãnh hải quanh quần đảo Natuna, và có quyền đối với các nguồn tài nguyên ở khu vực. Nếu Indonesia đồng ý tham gia một đề xuất phát triển chung theo SRMA thì nước này sẽ nhiều khả năng đánh mất quyền chủ quyền của mình ở bên trong EEZ này vì sẽ có một cơ quan gọi là “Cơ quan Quản lý Tài nguyên” tổ chức hoạt động khai thác của khu vực phát triển chung.

Sau hàng loạt sự cố với Trung Quốc ở Biển Bắc Natuna trong những năm gần đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã củng cố lập trường của Jakarta tại khu vực này bằng cách tập trung vào ba chương trình chính: du lịch biển, năng lượng và quốc phòng. Jakarta cần tập trung vào hoạt động phát triển quần đảo Natuna bằng chính các chương trình và dự án của mình hơn là “bắt tay” với Trung Quốc.

Cách hành xử của Trung Quốc trong việc hộ tống các tàu cá bất hợp pháp xâm nhập EEZ của Indonesia ở Natuna thường dẫn đến căng thẳng với cơ quan thực thi luật pháp của Indonesia. Người dân Indonesia ngày càng coi Trung Quốc là một mối đe dọa. Vì vậy, nếu Jakarta thay đổi quan điểm và bất ngờ triển khai hoạt động khai thác chung với Bắc Kinh trong khu vực thì điều này sẽ gây ra sự phản đối sâu rộng trong lòng dân chúng.

Vì bất kỳ lý do nào, việc Indonesia theo đuổi hoạt động phát triển chung với Trung Quốc ở Biển Đông hoặc Biển Bắc Natuna đều sẽ bị đặt câu hỏi về sự sáng suốt. Khi cân nhắc các yếu tố, có cơ sở để bác bỏ đề xuất của Trung Quốc.

* Giảng viên, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách Đại dương bền vững, Khoa Luật, Đại học Indonesia