Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gặp Đại sứ Trung Quốc tại Washington Tạ Phong ngày 3/7, trước thềm chuyến thăm Bắc Kinh. (Nguồn: CGTN) |
Ngày 3/7, ông Vương Tập Tư, học giả hàng đầu của Trung Quốc về quan hệ với Mỹ, nói Bắc Kinh không nên “ảo tưởng” về nhượng bộ chiến lược từ Washington.
Phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới do Đại học Thanh Hoa tổ chức ở Bắc Kinh, ông đánh giá quan hệ Mỹ-Trung gần đây rất mong manh và dễ bị “trật bánh” bởi các sự kiện như vụ khinh khí cầu vào đầu năm nay.
Học giả này nêu rõ: “Trung Quốc cần thực sự coi Mỹ là mối đe dọa bên ngoài lớn nhất về an ninh quốc gia và chính trị. Mỹ thường nói không muốn thay đổi hệ thống (chính trị) của Trung Quốc, song chúng tôi lo ngại những gì họ đang làm. Thực tế, Mỹ có quan điểm tiêu cực về chính trị Trung Quốc”.
Đồng thời, bất chấp nỗ lực cải thiện trong trao đổi thông tin, ông Vương nhận thấy rất ít dấu hiệu thay đổi từ Bắc Kinh và Washington. Thay vào đó, hai nước đã củng cố quan điểm chính sách kinh tế và đối ngoại, với lý do an ninh quốc gia. Học giả này lưu ý: “Đây là lý do tại sao tôi nghĩ chúng ta nên từ bỏ mọi ảo tưởng rằng Mỹ sẽ nhượng bộ chiến lược đối với Trung Quốc”.
Những nhận định của học giả này được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 6 – 9/7 tới. Qua đó, bà trở thành quan chức cấp cao thứ hai của Washington tới Bắc Kinh sau vụ việc khinh khí cầu Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Mỹ và bị bắn hạ hồi tháng Hai vừa qua.
Washington cho biết chuyến thăm đầu tiên của bà Yellen tới Trung Quốc sẽ tập trung vào nỗ lực điều chỉnh các mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ không kỳ vọng vào một đột phá lớn, song nhận định các cuộc thảo luận “thẳng thắn” của bà Yellen có thể thúc đẩy việc mở các kênh liên lạc và hợp tác mới về vấn đề kinh tế, đồng thời nhấn mạnh hậu quả của việc cung cấp vũ khí cho Nga.
Bên cạnh đó, hai bên cũng có thể thảo luận về quyết định mới đây của Trung Quốc liên quan tới kiểm soát gali và germani, hai loại nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trong chất bán đẫn, cũng như đạo luật phản gián được Bắc Kinh thông qua trước đó.
Một quan chức Mỹ đã khẳng định: “Không gì có thể thay thế ngoại giao”.