Sau hai thế kỷ, kiến trúc của Paris vẫn mê đắm lòng người. |
Kiến trúc luôn thể hiện tinh thần của thời đại. Nó báo hiệu cũng như đưa ra vấn đề của xã hội đương thời. Paris đẹp là vậy nhưng đâu có nghĩa là nó đáp ứng hết nhu cầu của một xã hội luôn thay đổi, phát triển không ngừng. Dự án "Plan Voisin" của kiến trúc sư thiên tài Le Corbusier (1887-1965) ra đời là một điều tất yếu. Được xem là người khai sinh ra chủ nghĩa kiến trúc hiện đại nửa đầu thế kỷ XX, ông đã trình lên các nhà chức trách một dự án nhằm đập bỏ gần toàn bộ quận Ba ở Paris để xây dựng một thành phố với những tòa nhà chọc trời dành cho một triệu dân. Tuy dự án không được thực hiện nhưng cũng đánh dấu một thời điểm mà kiến trúc phục vụ cộng đồng, phục vụ người dân được đặt lên hàng đầu.
Các đời Tổng thống Pháp cũng luôn chú ý cải thiện cuộc sống của người dân bằng những dấu ấn kiến trúc của riêng mình. Ví như Tổng thống Georges Pompidou với Trung tâm văn hóa Pompidou do kiến trúc sư bậc thầy Renzo Piano thiết kế. Công trình là dấu mốc cho một thời điểm mà cách mạng công nghiệp phát triển rực rỡ ở châu Âu. Giờ đây, công trình ấy được xem là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá Paris của khách du lịch, chỉ đứng sau tháp Eiffel về số lượng khách đến thăm hàng năm.
Tổng thống François Mitterrand cũng cho xây một thư viên quốc gia mang tên ông. Đây là thư viện có lượng dữ liệu rất, rất lớn, chuyên phục vụ cho các nghiên cứu sinh. Tôi đã từng đi tìm tài liệu ở đây - những tấm bản đồ thành Hà Nội thời chỉ có đường làng, xe thồ, xe ngựa...
Khi lựa chọn một nơi để học nghề kiến trúc, Pháp có lẽ là một trong những lựa chọn hàng đầu của các bạn trẻ. Không nói nhiều về những kiến trúc quái dị kiểu như của Gaudi ở Barcelona hay khổng lồ như ở Dubai, ở Pháp, kiến trúc mà sinh viên được học thường nói nhiều về tư tưởng và ý tưởng thiết kế. Từ đó, khi ra trường, các kiến trúc sư trẻ sẽ tìm ra lời giải thực sự phù hợp cho từng hoàn cảnh của mỗi công trình.
"Học đi đôi với hành". Câu tục ngữ ấy được thể hiện rất rõ khi học kiến trúc ở Pháp. Những lý thuyết kiến trúc, những trường phái nói trong sách vở có thể được các sinh viên hình dung rất rõ bởi việc tham quan thực tế. Tôi đã được tận mắt chiêm ngưỡng biệt thự Savoye của Le Corbusier. Vào trong đó, đứng từ trong nhìn ra, đứng trên mái nhìn xuống, đứng từ vườn nhìn vào, những lý thuyết về lịch sử kiến trúc ngấm vào mình lúc nào không hay.
Nếu có ý định học kiến trúc và nhuần nhuyễn thứ ngôn ngữ của tình yêu - tiếng Pháp thì các bạn đừng ngần ngại đăng ký ngay vào một chương trình đào tạo kiến trúc ở Pháp. Tại đất nước hình Lục lăng này, các bạn sẽ được một tổ chức nhiệt tình giúp đỡ và chia sẻ những kinh nghiệm làm nghề. Đó là Hội Kiến trúc sư Việt Nam ở Pháp (AAVF).