Joan Cho, một nữ nhân viên văn phòng 40 tuổi ở Seoul đã sống độc thân gần 20 năm nay để tập trung theo đuổi sự nghiệp và tránh xa những nghĩa vụ của cuộc sống gia đình. Đôi khi, Cho cũng muốn có một người bạn đồng hành để cùng cô du lịch khắp thế giới, nhưng cô nhanh chóng cảm thấy may mắn với cuộc sống “không trói buộc” khi chứng kiến bạn bè quanh mình tất bật với gia đình và con cái. Nhiều người bạn của cô thậm chí phải nghỉ việc để có thời gian dành cho gia đình.
“Tôi không cho rằng sống độc thân là tốt nhưng tôi thấy hạnh phúc khi có thể làm chủ cuộc sống của mình, ít nhất là so với các bạn cùng trang lứa”, Cho tâm sự.
Joan Cho chỉ là một trong số rất nhiều người Hàn Quốc lựa chọn mô hình gia đình một thành viên. Có những người do hoàn cảnh như ly hôn, vợ hoặc chồng đã qua đời nhưng cũng có không ít người lựa chọn sống độc thân do áp lực về tài chính hoặc đơn giản chỉ vì họ muốn như vậy.
Ngày càng có nhiều người Hàn Quốc lựa chọn sống độc thân. (Nguồn: Getty Images) |
Xu hướng sống độc thân do sở thích đang có phần nở rộ ở Hàn Quốc. John Kim, một thanh niên 30 tuổi đã sống độc thân ngay khi rời quê nhà lên Seoul theo học đại học. Kim cho biết, anh tôn thờ chủ nghĩa độc thân bởi anh có thể sống theo cách mình thích cũng như có điều kiện dành toàn bộ thời gian và thu nhập cho bản thân.
“Bạn sẽ không phải quan tâm đến một ai khác. Bạn có thể ngủ nướng hay đi tiêu khiển bất cứ lúc nào bạn muốn. Điều đấy không phải tuyệt vời sao?”, Kim nói.
Số liệu gần đây của Cục thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) cho thấy, năm 2015, Hàn Quốc có đến 5,2 triệu người sống độc thân, chiếm 27,2% trên tổng 19,1 triệu hộ gia đình trên cả nước. Đây là mức tăng đột biến so với tỷ lệ 9% vào năm 1990. Về độ tuổi, những người trên 30 tuổi chiếm 18,3%. Người trên 70 tuổi và ở độ tuổi 20 chiếm lần lượt là 17,5% và 17%.
Nền kinh tế “cho người độc thân”
Việc ngày càng nhiều người Hàn Quốc lựa chọn sống độc thân đã kéo theo sự phát triển của các dịch vụ đi theo như quán ăn, vũ trường, quán café…dành cho người độc thân. Chuỗi nhà hàng Lanchester F&B với hơn 16 nhà hàng tại Seoul và nhiều thành phố khác vẫn thu lãi lớn dù chỉ chuyên phục vụ những người “chăn đơn gối chiếc”.
Theo Phó Chủ tịch Tập đoàn Lanchester F&B Park Geon-uk, các nhà hàng trong chuỗi thường có dãy bàn ăn dài để các khách hàng có thể nghỉ ngơi và ăn uống thoải mái. Đặc biệt, khoảng cách giữa các ghế ngồi được bố trí hợp lý để khách hàng cảm thấy thoải mái và không bị làm phiền.
“Chúng tôi luôn bắt kịp những xu hướng mới nhất về ẩm thực và thị hiếu của khách hàng, đặc biệt là những người độc thân”, ông này tiết lộ.
Một quán rượu cho người độc thân ở trung tâm thủ đô Seoul. (Nguồn: Yonhap) |
Không chỉ nhà hàng, các quán rượu dành cho người độc thân cũng mọc lên như nấm sau mưa. Hai năm trước, anh Lee Sang Hoon đã quyết định mở một quán rượu tại trung tâm Seoul chuyên bán café, bia và đồ uống có cồn cho những người độc thân. Quán được trang bị máy nghe nhạc, máy tính bảng kết nối Internet và nhiều tiện ích khác để các khách hàng độc thân bớt cảm giác cô đơn, buồn chán.
Nắm bắt xu hướng này, hãng điện tử và đồ gia dụng Dongbu Daewoo Electronics đã nghiên cứu và cho ra đời những mặt hàng đồ gia dụng cỡ nhỏ chỉ dành cho một người, bao gồm cả tủ lạnh, máy giặt và lò vi sóng. “Hãng chúng tôi đang đẩy mạnh các dòng sản phẩm nhỏ gọn không chỉ phù hợp với không gian nhỏ hẹp mà còn có kiểu dáng hiện đại, bắt mắt dành riêng cho những người trẻ tuổi thích sống một mình”, ông Gwon Dae-hoon – Giám đốc truyền thông của Dongbu Daewoo Electronics hào hứng cho biết.
Nguy cơ già hóa dân số
Nếu như với người làm kinh doanh, xu hướng sống độc thân gia tăng hứa hẹn nhiều cơ hội làm ăn mới thì các chuyên gia xã hội lại lo ngại xu hướng này sẽ làm giảm tỷ lệ sinh và làm trầm trọng thêm nguy cơ già hóa dân số.
“Việc những người trẻ tuổi không mặn mà với hôn nhân đang khiến tỷ lệ sinh giảm đáng kể. Xu hướng này nếu tiếp diễn sẽ gây áp lực lên an sinh xã hội khi Chính phủ sẽ phải chi trả nhiều hơn cho quỹ phúc lợi của người già”, chuyên gia xã hội Lee Sang Lim đến từ Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc cảnh báo.
Nhiều học giả cho rằng, lý do khiến thanh niên Hàn Quốc “ngại” kết hôn là do chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn quá đắt đỏ trong khi công việc lại thiếu ổn định. Để giảm bớt xu hướng này, các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ nên đưa ra những chính sách cụ thể và dài hạn để giảm bớt những nỗi lo của người trẻ về cuộc sống hôn nhân.