Kết quả PISA của Việt Nam khiến giới chuyên gia giáo dục và các nhà hoạch định chính sách trên thế giới xôn xao. Ngay trong lần đầu tham gia thi PISA (năm 2012), các học sinh 15 tuổi của Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng: hạng 17 về toán học, hạng 8 về khoa học và hạng 19 về đọc hiểu trong số 65 quốc gia tham dự. Kết quả này đã giúp Việt Nam ở vị trí hơn chuẩn trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Trong khi các nước phương Tây đang cố gắng để đạt được thành công như các nước Đông Á trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đã vượt qua Mỹ, Australia và Anh. Với thực tế này, Việt Nam trở thành một ngoại lệ đối với lập luận cho rằng không thể đạt được nền giáo dục ưu tú mà thiếu sự phát triển ở cấp độ cao.
Học sinh Việt Nam đạt thứ hạng PISA cao. (Nguồn: tuoitrethudo.vn) |
Thành tích này càng đáng ngạc nhiên hơn do Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự như các nước đang phát triển khác. Nhiều trẻ em không có điều kiện học tiếp bậc phổ thông. Hệ thống giáo dục bậc cao hơn còn nhiều tồn tại. Trong báo cáo gần đây với tựa đề “Nâng cao tay nghề cho Việt Nam: Chuẩn bị nguồn lực lao động cho nền kinh tế thị trường hiện đại”, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo về tình trạng thiếu hụt các kỹ năng như: tư duy phản biện, làm việc nhóm và giao tiếp của sinh viên tốt nghiệp. Cùng quan điểm với một báo cáo trên The Economist, WB cho rằng ở Việt Nam đang thiếu hụt những kỹ năng này vì lớp học “thường tập trung vào việc học thuộc lòng và ghi nhớ”.
Kết quả PISA của Việt Nam rất ấn tượng nếu xét trên khía cạnh nhóm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Theo chuyên gia Andreas Schleicher của tổ chức OECD, gần 17% học sinh nghèo của Việt Nam ở độ tuổi 15 nằm trong số 25% học sinh có kết quả thi PISA tốt nhất. Khi so sánh mức trung bình ở các nước OECD, chỉ 6% những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đạt được mức trên. Nếu so sánh các nhóm đồng trang lứa, năng lực trẻ em Việt Nam ngang ngửa với trẻ em Hàn Quốc.
Các phân tích đánh giá độc lập về kết quả học tập tại các lớp học ở Việt Nam đã khẳng định thứ hạng PISA cao của Việt Nam không chỉ dựa trên kỹ năng làm bài kiểm tra hay một hệ thống giáo dục chỉ tốt trên giấy tờ. Theo khảo sát của dự án Young Lives, kết quả của học sinh Việt Nam thực sự là một ngoại lệ. Có khoảng 19 trong số 20 trẻ 10 tuổi ở Việt Nam có thể làm phép tính cộng 4 con số, 85% có thể trừ phân số. Nếu so sánh với học sinh ở Ấn Độ, 47% số học sinh lớp 5 không thể trừ các số với 2 chữ số.
Một số nhà phân tích cho rằng nhân tố quan trọng đóng góp cho thành công của Việt Nam trong giáo dục chính là nhờ đầu tư của Chính phủ vào lĩnh vực này trong nhiều năm. Việt Nam đã chi 21% ngân sách cho ngành giáo dục, cao hơn bất kỳ quốc gia OECD nào. Tuy nhiên, mức độ đầu tư tương tự không tạo ra kết quả tương tự ở nước khác trong khu vực. Chẳng hạn, Malaysia, nước láng giềng của Việt Nam, có kết quả PISA khá thấp dù nước này đã trải qua hàng thập kỷ đầu tư mạnh vào giáo dục.
Dù do bất cứ nguyên nhân gì, kết quả PISA tiến bộ của Việt Nam thật sự ấn tượng. Hiện 3 quốc gia Malaysia, Indonesia và Thái Lan vẫn mắc kẹt trong nhóm những quốc gia có kết quả PISA thấp. Kinh nghiệm quan trọng từ Việt Nam là đầu tư ngân sách cao sẽ không giúp các quốc gia này thoát khỏi đáy bảng xếp hạng nếu không có đổi mới về chính sách và tinh thần học hỏi từ các quốc gia khác.