📞

Học thế nào để cùng chung sống?

09:00 | 14/08/2016
“Học để cùng chung sống” là một trong các mục tiêu giáo dục mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra. 

Trường phổ thông của tôi trước đây có treo khẩu hiệu “Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống”. Hai vế đầu thì nhà trường làm khá tốt. Không chỉ học kiến thức, chúng tôi còn được học các nghề cơ bản. Nhưng còn “học để cùng chung sống”? Tôi lúc đó chẳng hiểu ý này. Nhà trường cũng không dạy.

“Học để cùng chung sống” là một trong các mục tiêu giáo dục mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra. Thế giới muôn màu muôn vẻ. Tôn trọng sự khác biệt là một yêu cầu không thể thiếu trong cuộc sống để đem lại hòa bình cho xã hội. Nhưng tiếc là đa số các trường học ở Việt Nam hiện nay lại chưa chú ý đúng mức về vấn đề này.

Dù đã qua nhiều lần cải cách nhưng cách dạy ở các trường vẫn chỉ là đọc - chép một chiều. Khi kiểm tra, học sinh buộc phải làm đúng những gì được nghe mà không có sự sáng tạo, phát triển ý tưởng. Thế nên mới có những chuyện nực cười rằng: 50 em học sinh trong lớp đều có bà ngoại tóc bạc phơ, em bé má phúng phính, con chó tên Milu và cùng làm việc tốt là dắt ông cụ qua đường.

Cách giáo dục đó như thể tạo ra một cái khuôn và buộc tất cả các học sinh phải vuông vức y hệt. Dạy học áp đặt thì các em không biết tôn trọng sự khác biệt cũng là dễ hiểu. Những vụ ẩu đả vì kiểu tóc ngứa mắt, cách nói chuyện ngứa tai… đến từ đó chứ đâu.

Có người cho rằng tôn trọng sự khác biệt được chia thành ba mức độ: 1- Ai suy nghĩ, hành xử khác số đông đều đáng bị lên án; 2- Ai suy nghĩ, hành xử thế nào thì kệ họ; 3- Ai suy nghĩ, hành xử thế nào cũng đều có lý do. Phải đặt mình vào vị trí của họ để đồng cảm, thấu hiểu.

Tôi dám chắc rằng nhiều người lớn chúng ta vẫn đang loanh quanh ở mức 1, thi thoảng đạt mức 2 chứ chưa bao giờ đến được mức 3.

Tháng 6 vừa qua, người ta xôn xao bàn tán về vụ việc Aiden Webb (người Anh) thiệt mạng. Nhiều người chỉ trích anh chàng này leo núi một cách ngu xuẩn vì chẳng mang theo đồ bảo hộ, thiếu kinh nghiệm mà ngông cuồng… Theo suy nghĩ và hiểu biết của họ thì Aiden quá dại dột để rồi mất mạng.

Nhưng ở góc nhìn của Aiden - một người chơi môn Free Solo (leo núi chỉ bằng tay), chuyến chinh phục Fansifan ấy là cơ hội để anh thỏa mãn đam mê. Những người chơi Free Solo hiểu cái giá mà họ có thể phải trả và chấp nhận điều đó.

Thế giới có hơn 7 tỷ người - 7 tỷ cá thể có cách suy nghĩ, hành động khác nhau, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố tác động. Vì thế, tôn trọng sự khác biệt là đức tính cần thiết để trở thành công dân toàn cầu. Chỉ khi chấp nhận sự đa dạng, tôn trọng sự khác biệt, chúng ta mới học được cách tôn trọng nhau, cùng chung sống hòa bình và dễ dàng đối thoại để giải quyết mâu thuẫn thay vì dùng nắm đấm.