Trong khuôn khổ chuyến khảo sát và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phục vụ cho Đề tài "Xây dựng và phát triển con người Việt Nam – chủ thể của quá trình phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới" thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025 (KX04), Đoàn công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Học viện) do PGS. TS. Nguyễn Duy Bắc – Phó Giám đốc thường trực Học viện – làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Giám đốc điều hành Viện Đào tạo và nghiên cứu Liên hợp quốc (UNITAR) Nikhil Seth và Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Gilbert F. Houngbo trong hai ngày 23 và 24/10.
Tham dự cuộc họp có Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva Lê Thị Tuyết Mai, cán bộ, giảng viên của Học viện, cán bộ Phái đoàn và các chuyên gia quốc tế của UNITAR và ILO.
Đoàn Công tác Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và cán bộ Phái đoàn. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Geneva) |
Tại hai buổi làm việc với UNITAR và ILO, PGS. TS. Nguyễn Duy Bắc đã giới thiệu về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, toàn diện của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội Việt Nam; là trung tâm quốc gia nghiên cứu, tham mưu, tư vấn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Trong nỗ lực góp phần đóng góp vào mục tiêu "phát triển đất nước nhanh, bền vững” để năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Học viện mong muốn thúc đẩy hợp tác quốc tế để chia sẻ, học hỏi từ kinh nghiệm, các kết quả nghiên cứu và hoạt động thực tiễn của các tổ chức quốc tế cũng như thực tiễn kinh nghiệm tốt của các nước để góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, tham mưu tư vấn chủ trương, chính sách, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ lãnh đạo trung và cao cấp của đất nước có kiến thức, trình độ và kỹ năng tốt về hội nhập quốc tế và hoạch định chính sách, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.
PGS. TS. Nguyễn Duy Bắc cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của các tổ chức quốc tế như UNITAR và ILO dành cho Việt Nam trong thời gian qua và hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức trong thời gian tới, nhất là trong việc thúc đẩy hợp tác về đào tạo (qua các khóa học trực tiếp và/hoặc trực tuyến), chia sẻ kết quả nghiên cứu và khuyến nghị về thực tiễn quốc tế tốt trong các lĩnh vực phát triển con người, thu hút nhân tài, chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số... hướng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
PGS. TS. Nguyễn Duy Bắc và Giám đốc điều hành UNITAR Nikhil Seth. (Nguồn: TTXVN) |
Giám đốc điều hành UNITAR Nikhil Seth, từng ba lần có dịp đến thăm Việt Nam, đánh giá cao vai trò của Học viện Chính trị Quốc gia trong sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ quản lý trung cao cấp của Việt Nam cũng như tầm nhìn thúc đẩy sự hội nhập của Việt Nam với thế giới của Học viện.
UNITAR cũng có sự tương đồng với Học viện với vai trò là trung tâm hỗ trợ xây dựng năng lực chủ yếu của LHQ cho các quốc gia với trọng tâm tập trung vào các lĩnh vực hòa bình, con người, trái đất, sự thịnh vượng, hỗ trợ các chính phủ tìm hiểu về nhiều vấn đề quốc tế như các chính sách xã hội, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, quản lý hóa chất và chất thải cũng như nền kinh tế xanh, đồng thời cung cấp cho các quan chức các nước các khóa đào tạo về Gìn giữ hòa bình và ngăn ngừa xung đột.
Thông qua Trung tâm vệ tinh của Liên hợp quốc (UNOSAT), UNITAR hỗ trợ các đối tác và các quốc gia phân tích hình ảnh vệ tinh trên các vùng lãnh thổ tương ứng của họ, đồng thời cung cấp đào tạo và phát triển năng lực trong việc sử dụng công nghệ thông tin không gian địa lý.
Giám đốc điều hành UNITAR khuyến nghị Việt Nam tập trung nghiên cứu thêm về quản trị rủi ro điện tử (như rác thải từ điện thoại, hóa chất... gây ô nhiễm.) cũng như khai thác hệ thống phân tích hình ảnh qua vệ tinh để phục vụ tốt hơn cho việc phát triển, cũng như sự phối hợp, của các ngành như an ninh quốc phòng, nông nghiệp, môi trường, quản lý đô thị và nông nghiệp...
Tổng Giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo chia sẻ ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm Việt Nam vào tháng 6/2023 và chúc mừng những thành tựu phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, không chỉ ở khía cạnh tăng trưởng kinh tế mà còn an sinh xã hội, phát triển bền vững, đảm bảo quyền con người, quyền của người lao động và việc làm.
Điều này cũng phù hợp với những chuẩn mực lao động mà ILO đang thúc đẩy cũng như Chiến lược học tập kỹ năng của ILO đến năm 2030. Tổng Giám đốc ILO đánh giá cao vai trò của Học viện trong đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ trung, cao cấp của Việt Nam.
ILO sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam nói chung và Học viện nói riêng, trên cơ sở nhu cầu của mỗi bên, trong những lĩnh vực mà ILO có thế mạnh như lao động và chuẩn mực lao động, đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, phát triển các kỹ năng như hoạch định và thực thi chính sách dựa trên bằng chứng, đào tạo, học tập gắn với thực tập và thực hành, đào tạo kỹ năng số cho nguồn nhân lực để hội nhập trong môi trường Công nghiệp 4.0 và tạo lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư nước ngoài...
Tổng giám đốc ILO cũng khuyến nghị Việt Nam hài hòa giữa Chiến lược quốc gia và Chiến lược quốc tế của ILO về đào tạo kỹ năng cho người lao động, thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa chính phủ, doanh nghiệp, và người lao động để đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
PGS. TS. Nguyễn Duy Bắc và Tổng Giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo. (Nguồn: ILO) |
Trong khuôn khổ các buổi làm việc, thành viên trong đoàn công tác của Học viện cũng đã trao đổi với các chuyên gia của UNITAR và ILO, tìm hiểu khả năng hợp tác trong thời gian tới về chia sẻ nghiên cứu, đào tạo, xây dựng năng lực trên các lĩnh vực cùng quan tâm.
Nhân dịp này, Đoàn cũng đến thăm và làm việc với Trường đại học Đại học Khoa học ứng dụng Tây Bắc Thụy Sỹ (FHNW), Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) của Thụy Sỹ, để trao đổi các nội dung về phát triển bền vững, phát triển giáo dục đào tạo, phát triển văn hóa, con người, công nghiệp sáng tạo và nhiều chủ đề, lĩnh vực quan trọng khác.
Bên cạnh nghiên cứu trao đổi, Đoàn cũng đã có những hoạt động hết sức ý nghĩa khác bao gồm thăm và trao đổi thông tin tại Trụ sở LHQ tại Geneva, thăm bảo tàng, thư viện LHQ tại Geneva và nghiên cứu các tài liệu lịch sử lưu trữ tại thư viện về Việt Nam, đặc biệt là về Hội nghị Geneva 1954.
| Xây dựng Đảng cầm quyền trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh Mối quan tâm lớn nhất, sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng ... |
| Hoàn thiện cơ chế, chính sách phòng, chống tham nhũng Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tham nhũng là “giặc nội xâm”, một căn bệnh nguy hiểm làm giảm sút vai trò lãnh đạo, cầm ... |
| Lễ ra mắt sách cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bản tiếng Hà Lan tại Bỉ Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh Việt Nam mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm cả lý luận và thực tiễn thông qua cuốn ... |
| Đổi mới, coi trọng công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, thời gian tới, cần tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, nêu cao ... |
| Chủ động và quyết liệt hơn trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã đạt được nhiều kết ... |
| Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới Qua 40 năm đổi mới, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, tạo bước tiến ... |