📞

Học viện Ngoại giao kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu Chiến lược

15:37 | 12/10/2018
Ngày 12/10, Học viện Ngoại giao đã tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao (2008 – 2018) và tọa đàm “Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu chiến lược trong tình hình mới”.

Đến dự lễ kỷ niệm và tọa đàm có nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng, Phó Giám đốc Học viện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Lê Hải Bình, các nguyên Thứ trưởng, đại diện các Viện Nghiên cứu, cùng nhiều cán bộ, nhân viên đã và đang công tác tại Viện Nghiên cứu Chiến lược.

Lễ kỷ niệm có sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Học viện, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao cùng nhiều cán bộ, nhân viên của Viện. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định, trong suốt thời gian hình thành và phát triển, được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Bộ cùng sự hợp tác của các Bộ ban ngành, Viện Nghiên cứu liên quan, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào thành tựu của ngành Ngoại giao.

Trong vòng 10 năm, Viện Nghiên cứu Chiến lược đã có nhiều đề tài nghiên cứu được đánh giá cao, đặc biệt là 3 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, Viện Nghiên cứu Chiến lược vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của Bộ Ngoại giao về Nghiên cứu Chiến lược và công tác nghiên cứu dự báo cần được nâng cao hơn trong thời gian tới.

Trải qua chặng đường 10 năm hình thành và phát triển, đứng trước một thế giới biến động khó lường với nhiều thách thức mới, Viện Nghiên cứu Chiến lược cần đóng một vai trò chủ động, tích cực hơn. Do đó, ông Hải Bình mong rằng, tọa đàm sẽ thu thập ý kiến đóng góp của lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Bộ, các vị lão thành cùng đơn vị phối hợp đưa các hoạt động của Viện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Học viện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao Lê Hải Bình phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng cũng nhận định, sự ra đời của Viện Nghiên cứu Chiến lược đánh dấu một bước chuyển mình lớn của công tác nghiên cứu đối ngoại. Viện đã có một số công trình nghiên cứu quan trọng, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là ba công trình cấp Nhà nước như “Xu thế phát triển của cục diện thế giới đến năm 2020 và định hướng chiến lược đối ngoại của Việt Nam” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh phụ trách; “Hội nhập quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam” do Thứ trưởng thường trực Bùi Thành Sơn phụ trách và “Đối ngoại Đa phương của Việt Nam: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp” do Thứ trưởng Đặng Đình Quý phụ trách.

Với tư cách là Giám đốc Học viện, ông Tùng cho biết, sẽ cố gắng hỗ trợ Viện Nghiên cứu Chiến lược tiếp tục đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của ngành Ngoại giao và công cuộc đối ngoại của đất nước.

Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Vũ Tùng đánh giá cao những thành tựu mà Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao đã đạt được trong 10 năm hình thành và phát triển. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Phát biểu chỉ đạo, thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất với lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nghiên cứu Chiến lược, khẳng định sự hình thành của Viện Nghiên cứu Chiến lược là một bước tiến quan trọng trong xây dựng tư duy của Bộ Ngoại giao, gắn nghiên cứu động thái với nghiên cứu chiến lược. Vượt qua nhiều khó khăn, Viện Nghiên cứu Chiến lược đóng góp tích cực vào công tác chung của Bộ, cũng như công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. 

10 năm qua, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế và tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, khó lường, Viện vẫn xây dựng được thương hiệu, trở thành Viện Nghiên cứu Chiến lược hàng đầu, vươn tầm quốc tế, có nhiều nghiên cứu chất lượng, được giới chuyên môn trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Kết quả này đã góp phần cung cấp thông tin, cơ sở khoa học cho hoạch định chính sách đối ngoại, dự thảo văn kiện lớn của Đảng như Văn kiện Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI và XII, Chiến lược Tổng thể về Hội nhập Quốc tế đến năm 2020 và 2030, là tài liệu quan trọng cho các hội nghị ngoại giao... Thứ trưởng cũng rất ấn tượng về tinh thần lao động, tận tụy của các cán bộ nhân viên của Viện, đảm bảo hiệu quả công việc cao. 

Thứ trưởng thường trực Bùi Thành Sơn mong muốn Viện Nghiên cứu Chiến lược đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác đối ngoại. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, Viện vẫn còn mặt hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng rất lớn của Bộ và ngành Ngoại giao. Tại Hội nghị Ngoại giao 30, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra nhiều câu hỏi cho công tác nghiên cứu chiến lược mà với tư cách là một trong những đơn vị nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu, Viện Nghiên cứu Chiến lược cần sớm giải đáp. Lãnh đạo Bộ mong Viện đóng góp ý kiến nhiều hơn nữa, kể cả ý kiến trái chiều, trên cơ sở khách quan, khoa học, đóng góp thiết thực vào công tác đối ngoại.

Tiếp nối lễ kỷ niệm là tọa đàm với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu chiến lược trong tình hình mới”. Các đại biểu đã có nhiều phát biểu tâm huyết, nêu rõ thực trạng của công tác nghiên cứu đối ngoại thời gian qua, chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp, sáng kiến mới, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác nghiên cứu đối ngoại thời gian tới. 

Các Chủ tọa lắng nghe ý kiến của các đại biểu trong tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Các đại biểu và khách mời chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)