📞

Hỏi đáp về Ngày Quốc tế: Có bao nhiêu loài động vật hoang dã trên Trái đất?

Huyền Trâm 06:00 | 03/03/2021
TGVN. Ngày 3/3 hàng năm là Ngày Sinh giới Hoang dã thế giới. Nhân dịp này, hãy cùng TG&VN tìm hiểu xem hiện nay trên Trái đất có bao nhiêu loài động vật hoang dã?

Ngày 20/12/2013, tại phiên họp thứ 68, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/68/205 do Thái Lan đề xuất, tuyên bố ngày 3/3 là Ngày Sinh giới Hoang dã Thế giới.

Ngày 3/3/1973, Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) đã được ký kết. Ngày quốc tế này nhằm phổ biến và nâng cao nhận thức của con người về các loài động vật và thực vật hoang dã trên thế giới.

Ngày Sinh giới Hoang dã thế giới hiện đã trở thành sự kiện thường niên quan trọng nhất trên toàn cầu dành riêng cho các loài động, thực vật hoang dã.

Ngày Sinh giới Hoang dã thế giới năm nay được tổ chức với chủ đề "Rừng và sinh kế: Nuôi sống con người và hành tinh" nhằm nêu cao vai trò trung tâm của rừng, các loại rừng và các hệ sinh thái trong việc duy trì sinh kế của con người, đặc biệt là các cộng đồng bản địa có mối quan hệ lịch sử gắn với các khu vực có rừng và giáp rừng.

Chủ đề này phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và các cam kết trên phạm vi rộng của các quốc gia nhằm xóa đói giảm nghèo, bảo đảm sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo tồn đất sống.

Khoảng 200-350 triệu người đang sống trong rừng hoặc liền kề các khu vực có rừng trên khắp thế giới. Họ sinh sống dựa vào các hệ sinh thái khác nhau do rừng cung cấp, bao gồm thực phẩm, nơi ở, năng lượng và thuốc men.

Rừng và các sinh kế phụ thuộc vào chúng hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng đa hành tinh: từ biến đổi khí hậu, đến mất đa dạng sinh học, thêm vào đó là các tác động không nhỏ đến sức khỏe, xã hội và kinh tế do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ngày Sinh giới Hoang dã thế giới năm nay là dịp để con người tìm cách thúc đẩy các mô hình và thực hành quản lý rừng cùng động, thực vật hoang dã trong rừng một cách phù hợp và hiệu quả. Qua đó, giúp bảo tồn lâu dài rừng cùng các loài động, thực vật hoang dã sống trong rừng, đồng thời phát huy giá trị giữa kiến thức và thực tiễn, góp phần thiết lập mối quan hệ bền vững hơn với các hệ sinh thái quan trọng này.