Cuộc họp này được tổ chức theo đề nghị của các nước Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại cuộc họp, Mỹ hối thúc HĐBA LHQ áp đặt "các biện pháp mạnh mẽ nhất có thể" nhằm phản ứng với vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và được cho là lớn nhất của Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nêu rõ các biện pháp trừng phạt mà HĐBA áp đặt đối với Triều Tiên kể từ năm 2006 đã không phát huy hiệu quả, trong khi chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng ngày càng tân tiến và nguy hiểm hơn bao giờ hết, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Bà Haley nhấn mạnh chỉ có những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất mới có thể mở đường cho các giải pháp ngoại giao trong vấn đề Triều Tiên.
Cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, ngày 4/.9, tại New York. (Nguồn: AFP) |
Các đại diện của Nhật Bản, Pháp và Anh tại LHQ cũng nhất trí cho rằng HĐBA cần nhanh chóng thông qua một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, đề xuất này được cho là sẽ vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc vốn cho rằng chỉ đơn thuần áp đặt trừng phạt sẽ không thể giải quyết cuộc khủng hoảng.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất gọi giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua các cuộc đàm phán ngoại giao. Ông Lưu Kết Nhất cảnh báo tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đang tiếp tục xấu đi, và vấn đề Triều Tiên phải được giải quyết một cách hòa bình. Quan chức trên đồng thời cho biết Bắc Kinh sẽ không bao giờ để xảy ra chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng, các biện pháp quân sự không thể giải quyết được các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cảnh báo các bên cần kiềm chế các hành động có thể khiến căng thẳng leo thang.
Trước đó, phát biểu với báo giới ngay trước thềm cuộc họp, Đại sứ Nhật Bản tại LHQ Koro Bessho hối thúc HĐBA LHQ soạn một dự thảo nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Ông Bessho nhấn mạnh: "Chúng ta không thể lãng phí thêm thời gian. Chúng ta cần phải để Triều Tiên cảm nhận được sức ép". Ông đồng thời cảnh báo Triều Tiên sẽ hứng chịu những hậu quả nếu theo đuổi con đường phát triển hạt nhân và tên lửa.
Ông Jeffrey Feltman, quan chức phụ trách các vấn đề chính trị của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, cho biết ông Guterres "hy vọng HĐBA duy trì được hành động thỏa đáng và đoàn kết" đối với vấn đề Triều Tiên, đồng thời cảnh báo tổ chức này rằng "trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, nguy cơ hiểu nhầm, tính toán sai lầm và leo thang cũng tăng theo".
Ông Feltman nhấn mạnh những diễn biến nghiêm trọng gần đây đòi hỏi phải có phản ứng toàn diện, cũng như cách tiếp cận ngoại giao khôn ngoan.
Tổng thư ký Guterres trước đó đã lên án vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, cho rằng đây là động thái "gây mất ổn định nghiêm trọng" tới an ninh khu vực, đồng thời một lần nữa kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động tương tự.
Ngày 3/9, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công bom H. Theo Đài truyền hình trung ương Triều Tiên, vụ thử trên được tiến hành theo mệnh lệnh của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhật Bản cho rằng những chấn động phát hiện tại Triều Tiên sáng 3/9 là một vụ nổ hạt nhân. Trong khi đó, phía Hàn Quốc cho biết, nếu xác định đây là vụ thử hạt nhân thì sức công phá của nó lên tới 100 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT), mạnh gấp 4-5 lần so với quả bom hạt nhân từng thả xuống thành phố Nagasaki năm 1945 tại Nhật Bản.