Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra Tuyên bố báo chí đầu tiên về tình hình Myanmar trong năm 2022. |
Tuyên bố cũng kêu gọi thả những người bị giam giữ độc đoán trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint; lên án các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng, cơ sở y tế và giáo dục; kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực và đảm bảo an toàn cho người dân.
Tuyên bố cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự gia tăng nhu cầu nhân đạo, đặc biệt là của phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương. Tuyên bố nhấn mạnh cần tăng cường hỗ trợ nhân đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp và phân phối vvaccine Covid-19, đảm bảo tiếp cận nhân đạo đầy đủ, an toàn và không bị cản trở, sự bảo vệ đầy đủ, an toàn và an ninh cho các nhân viên nhân đạo và y tế.
Tuyên bố bày tỏ ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar, tôn trọng quyền con người, tự do cơ bản cũng như pháp quyền; kêu gọi các bên liên quan đối thoại và hòa giải phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar.
Về vai trò của ASEAN, Tuyên bố nhấn mạnh sự ủng hộ đối với ASEAN trong thúc đẩy giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân Myanmar, kêu gọi thực hiện nhanh chóng và đầy đủ Đồng thuận Năm điểm, hoan nghênh việc bổ nhiệm Đặc phái viên ASEAN, đồng thời bày tỏ ủng hộ vai trò, nỗ lực ngoại giao của Đặc phái viên và mong Đặc phái viên sớm vào Myanmar để gặp gỡ với tất cả các bên liên quan, thực hiện hòa giải nhằm tạo thuận lợi cho quá trình đối thoại, cũng như cung cấp hỗ trợ nhân đạo.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar và khuyến khích sự duy trì liên lạc và tương tác chặt chẽ với tất cả các bên liên quan ở Myanmar, sự bổ trợ giữa 2 Đặc phái viên.
Tuyên bố nhấn mạnh cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của khủng hoảng ở bang Rakhine và khuyến khích các nỗ lực ngoại giao giữa các bên liên quan để giúp giải quyết các vấn đề này. Cuối cùng, Tuyên bố tái khẳng định sự ủng hộ người dân Myanmar và quá trình chuyển đổi dân chủ của đất nước, cũng như cam kết mạnh mẽ của HĐBA đối với chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Myanmar.
Đây là Tuyên bố báo chí đầu tiên về tình hình Myanmar của HĐBA LHQ trong năm 2022.
Đồng thuận Năm điểm về vấn đề Myanmar được các Nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 4/2021, trong đó, yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và tất cả các bên phải hết sức kiềm chế; tiến hành đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình theo nguyện vọng của người dân; đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại với sự hỗ trợ của Tổng Thư ký ASEAN; cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm AHA; và đặc phái viên của ASEAN sẽ đến Myanmar để gặp gỡ tất cả các bên liên quan. |