📞

Hội đồng Bảo an: Tăng cường cách tiếp cận đối với hòa bình, an ninh ở Sahel qua lăng kính giới

Chu Văn 08:26 | 03/06/2021
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý ghi nhận những tiến bộ về sự tham gia và đại diện của phụ nữ trong các tiến trình chính trị và hòa bình ở Sahel.
Hội đồng Bảo an thảo luận về Tăng cường cách tiếp cận đối với hòa bình, an ninh ở Sahel qua lăng kính giới.

Ngày 2/6, tại New York, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gồm Niger, Na Uy, Pháp, Tunisia, Ireland, Anh, Mỹ, Kenya, Saint Vincent & Grenadines, Việt Nam cùng các tổ chức Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu, Cơ quan về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ của LHQ (UN Women) và Cơ quan Chiến lược Tổng thể cho Sahel của LHQ (UNISS) đã đồng tổ chức cuộc họp theo thể thức Arria của HĐBA LHQ về chủ đề “Tăng cường cách tiếp cận đối với hòa bình, an ninh ở Sahel qua lăng kính giới”.

Đại diện của 39 nước thành viên LHQ, trong đó có đủ 15 nước thành viên HĐBA, một số cơ quan của LHQ và tổ chức khu vực đã tham dự. Tại cuộc họp, một số nước đã công bố thành lập Nhóm bạn bè của phụ nữ ở Sahel.

Phó Tổng Thư ký LHQ, bà Amina J.Mohammed cho biết, khu vực Sahel đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là bất bình đằng giới, tỷ lệ tảo hôn cao, bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, bạo lực cực đoan, biến đổi khí hậu và nghèo đói.

Trong bối cảnh này, LHQ đã có nhiều hoạt động và nguồn lực hỗ trợ khu vực thông qua UNISS. Ngoài ra LHQ cũng đang phối hợp với các tổ chức khu vực thúc đẩy triển khai các sáng kiến về bảo vệ và thúc đẩy vai trò của phụ nữ.

Bà Amina J.Mohammed nhấn mạnh, phụ nữ cần ở vị trí trung tâm trong quá trình hoạch định chính sách. Bà hoan nghênh việc thành lập Nhóm bạn bè của phụ nữ ở Sahel và mong muốn Nhóm sẽ có các đóng góp thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực.

Các nước tham gia cuộc họp nhất trí cho rằng việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cần xoá bỏ các rào rản đối với phụ nữ trong mọi lĩnh vực, tiến trình cũng như nghiêm túc thực hiện đầy đủ và toàn diện chương trình nghị sự Phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS) ở cả cấp quốc gia và khu vực Sahel.

Theo đó, các nước hoan nghênh việc thành lập Nhóm bạn bè của phụ nữ ở Sahel và mong muốn Nhóm sẽ hoạt động vì các mục tiêu này. Về phương hướng sắp tới, các nước cho rằng cộng đồng quốc tế cần tập trung hỗ trợ tiếp cận giáo dục, nâng cao năng lực, thúc đẩy bình đẳng giới, tăng quyền năng và hỗ trợ phát triển cho phụ nữ trong các tất cả các giai đoạn của tiến trình ở Sahel vì hoà bình và phát triển bền vững ở khu vực.

Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý ghi nhận những tiến bộ về sự tham gia và đại diện của phụ nữ trong các tiến trình chính trị và hòa bình ở Sahel.

Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và có ý nghĩa của phụ nữ, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh cần xóa bỏ những rào cản, thay đổi nhận thức mạnh mẽ, có các biện pháp táo bạo hơn và tăng cường trao quyền cho phụ nữ để bảo đảm phụ nữ được tham gia đầy đủ với tư cách là đối tác bình đẳng từ những giai đoạn sớm nhất của mỗi tiến trình hòa bình và chính trị.

Về phía cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhóm những người bạn của Phụ nữ ở Sahel, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng cần phối hợp hành động để phát triển và đa dạng hóa các nguồn tài trợ nhằm bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho các sáng kiến bình đẳng giới cũng như các dự án quan trọng của Sahel.

Để đo lường việc thực hiện và hiệu quả của phương pháp tiếp cận theo giới, Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng cần tăng cường sử dụng bộ chỉ số toàn cầu do HĐBA ban hành năm 2009 để theo dõi việc thực hiện chương trình nghị sự WPS. Nhân dịp này, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cũng nhắc lại cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ vào các quá trình liên quan.

Cuộc họp theo thể thức Arria là một hình thức họp không chính thức của HĐBA LHQ nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham dự của các nước thành viên HĐBA cũng như các nước thành viên LHQ ngoài HĐBA khác và các tổ chức quốc tế.
(theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)