📞

Hội đồng Bảo an tháng 11: Đa dạng chủ đề thảo luận, Việt Nam khéo léo trước vấn đề phức tạp

Hà Phương 07:05 | 29/12/2021
Trong tháng 11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành 31 cuộc họp cấp Đại sứ trở lên về các vấn đề ở nhiều khu vực và thảo luận một số vấn đề chủ đề đáng chú ý. Việt Nam tiếp tục tham gia HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng.
Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết gia hạn nhiệm vụ Phái bộ tại CHDC Congo và thảo luận về tình hình tại Syria và Ethiopia ngày 20/12. (Ảnh: QT)

Trong tháng 11, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phục hồi kinh tế-xã hội ở nhiều nước trên thế giới. Hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế chủ đạo song cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn, nhất là Mỹ-Nga, Mỹ-Trung Quốc vẫn diễn ra quyết liệt, tác động đến chính trị, an ninh thế giới, được thể hiện rõ nét tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khủng bố, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia tiếp tục là các thách thức lớn.

Ngoài ra, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nổi lên là các điểm nóng như bất ổn tiếp diễn tại Myanmar, đảo chính tại Sudan, chiến sự leo thang tại Ethiopia, thậm chí đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng ở biên giới Ba Lan-Belarus, Nga-Ukraine…

Nhiều vấn đề chủ đề đáng chú ý

Trong bối cảnh đó, dưới sự chủ trì của Mexico (Chủ tịch HĐBA tháng 11), HĐBA đã tiến hành 31 cuộc họp cấp Đại sứ trở lên về các vấn đề ở nhiều khu vực và thảo luận một số vấn đề chủ đề đáng chú ý, thông qua 14 văn kiện, trong đó có 4 Nghị quyết về gia hạn các Phái bộ tại Abyei (Nam Sudan), Cộng hòa Trung Phi, Phái bộ EU tại Bosnia và Herzegovina, các biện pháp trừng phạt Somalia.

Tháng 11, các vấn đề nổi lên ở nhiều khu vực trên thế giới đều được thảo luận trong khuôn khổ HĐBA. Cụ thể, các nước thành viên HĐBA bày tỏ quan ngại trước tình hình xung đột lan rộng tại Ethiopia giữa quân đội Chính phủ và phe đối lập là “Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray” (TPLF) và các cuộc biểu tình chống quân đội tại Sudan; bày tỏ ủng hộ việc tổ chức bầu cử ở Libya đúng quy định và chuyển giao quyền lực hòa bình; kêu gọi Myanmar hợp tác với Đặc phái viên (ĐPV) và triển khai Đồng thuận 5 điểm của ASEAN, kêu gọi chấm dứt bạo lực, thúc đẩy giải pháp chính trị ở Myanmar và thông qua Tuyên bố Báo chí thứ hai về tình hình Myanmar; nêu tình trạng vi phạm nhân quyền tại Afghanistan,...

Các nước cũng thảo luận về tình hình Bosnia và Herzegovina (BiH), vấn đề Belarus và người tị nạn tại biên giới Belarus-Ba Lan...

Dưới sự chủ trì của Mexico (Chủ tịch HĐBA tháng 11), HĐBA đã tiến hành 31 cuộc họp cấp Đại sứ trở lên về các vấn đề ở nhiều khu vực và thảo luận một số vấn đề chủ đề đáng chú ý, thông qua 14 văn kiện, trong đó có 4 Nghị quyết về gia hạn các Phái bộ tại Abyei (Nam Sudan), Cộng hòa Trung Phi, Phái bộ EU tại Bosnia và Herzegovina, các biện pháp trừng phạt Somalia.

Đa dạng chủ đề thảo luận

Các vấn đề chủ đề tại HĐBA trong tháng 11 cũng khá đa dạng, tập trung vào vấn đề bất bình đẳng và tác động đối với hòa bình, an ninh quốc tế; ngoại giao phòng ngừa…

Dưới sự chủ trì của Tổng thống Mexico, HĐBA lần đầu tiên tổ chức Thảo luận mở về bất bình đẳng và tác động đối với hòa bình, an ninh quốc tế để đánh giá về thực trạng, chiều hướng và tác động sâu rộng của sự bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia, các giới, nhóm xã hội, sắc tộc. HĐBA lần đầu tiên thông qua một Tuyên bố Chủ tịch về chủ đề này.

Bên cạnh đó, vấn đề góa phụ trong bối cảnh hậu xung đột cũng được HĐBA lần đầu tiên thảo luận dưới thể thức Arria, góp phần tăng cường sự quan tâm của quốc tế nói chung và HĐBA nói riêng đối với góa phụ, một trong những nhóm đối tượng chịu hậu quả tiêu cực của xung đột, song chưa được quan tâm, nghiên cứu đầy đủ tại LHQ.

Tại Thảo luận mở về ngoại giao phòng ngừa, các nước nhấn mạnh cần phối hợp hành động chung và tăng cường trao đổi giữa các cơ quan trực thuộc của HĐBA trong phòng ngừa xung đột và xử lý các nguyên nhân gốc rễ xung đột.

Trong cuộc Thảo luận về vai trò của lực lượng cảnh sát LHQ đối với chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh, các nước ghi nhận cảnh sát LHQ là một cấu phần quan trọng lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ và kêu gọi tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động này.

Tích cực và trách nhiệm, khéo léo và cân bằng

Việt Nam tiếp tục tham gia HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng; duy trì quan hệ hợp tác tích cực với các nước trong và ngoài HĐBA, nhất là các nước Ủy viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc), trao đổi thường xuyên với các nước ASEAN, các nước Không liên kết, đang phát triển về các diễn biến, thảo luận cùng quan tâm tại HĐBA.

Đại sứ Đặng Đình Quý thăm các sĩ quan quân đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ tại UNMISS. (Nguồn: VOV.VN)

Đối với các vấn đề phức tạp, Việt Nam tiếp tục xử lý khéo léo, thỏa đáng, bảo đảm lập trường nguyên tắc và lợi ích của Việt Nam.

Về tình hình Myanmar, Việt Nam nhấn mạnh vai trò trung tâm và nỗ lực của ASEAN, kêu gọi các bên đối thoại, tạo điều kiện cho ĐPV ASEAN vào thăm; đồng thời Việt Nam tham gia đóng góp dự thảo Tuyên bố Báo chí theo hướng cân bằng, đáp ứng thỏa đáng lợi ích, quan tâm của các bên.

Việt Nam tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của một giải pháp chính trị mang tính bao trùm đối với vấn đề Afghanistan, bảo đảm sự tham gia của phụ nữ và thanh niên, bảo đảm an ninh và an toàn của người dân; kêu gọi kiềm chế, tránh gia tăng căng thẳng liên quan đến vấn đề người tị nạn tại biên giới Belarus-Ba Lan; chia sẻ quan ngại về tình hình chiến sự và nhân đạo ở Ethiopia.

Với tư cách Chủ tịch Ủy ban thực hiện các Nghị quyết về Nam Sudan, theo thu xếp của LHQ, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý đã có chuyến thăm nước này và gặp Tổng thống, các Phó Tổng thống và nhiều Bộ trưởng Nam Sudan, Phái bộ LHQ tại đây (UNMISS) và thăm các đơn vị, cán bộ, chiến sỹ của Việt Nam đang tham gia Phái bộ.

Lãnh đạo Nam Sudan, các nước HĐBA và Lãnh đạo UNMISS đều đánh giá cao, ghi nhận những đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc kiên trì thúc đẩy đối thoại giữa Chính quyền, các bên tại Nam Sudan với các nước HĐBA, qua đó góp phần cải thiện tình hình trên thực địa và tiến tới dần gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của LHQ.

Với tư cách Chủ tịch Ủy ban thực hiện các Nghị quyết về Nam Sudan, theo thu xếp của LHQ, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý đã có chuyến thăm nước này và gặp Tổng thống, các Phó Tổng thống và nhiều Bộ trưởng Nam Sudan, Phái bộ LHQ tại đây (UNMISS) và thăm các đơn vị, cán bộ, chiến sỹ của Việt Nam đang tham gia Phái bộ.

Tại Thảo luận mở về bất bình đẳng và tác động đối với hòa bình, an ninh quốc tế, Việt Nam nhấn mạnh bất bình đẳng, chia rẽ chính trị bên trong và giữa các quốc gia là nguyên nhân dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm xung đột và cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Trong cuộc họp theo thể thức Arria về góa phụ trong xung đột, Việt Nam đề xuất các quốc gia và tổ chức quốc tế, khu vực có các số liệu, báo cáo về các thách thức trong xung đột và hậu xung đột đối với góa phụ để tạo cơ sở cho việc xây dựng chương trình và chính sách riêng cho nhóm đối tượng này.

Đối với cuộc Thảo luận mở về ngoại giao phòng ngừa, Việt Nam đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, tận dụng các công cụ được quy định tại Hiến chương LHQ để tăng cường ngăn ngừa và giải quyết xung đột, nhấn mạnh vai trò của các tổ chức khu vực, tiểu khu vực trong thực hiện ngoại giao phòng ngừa.