Một cuộc họp của Hội đồng Liên đoàn Arab. (Nguồn: AP) |
Các đại biểu tham dự sự kiện đã thảo luận về dự thảo chương trình nghị sự của Hội nghị bộ trưởng Hội đồng AL, dự kiến diễn ra vào ngày 8/3, cũng dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Ai Cập.
Chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội của AL, trong đó đặc biệt quan tâm các vấn đề cấp bách tại Palestine, Yemen, Syria, cũng như quan hệ của AL với các khối khu vực, quốc tế và châu Phi.
Phiên họp diễn ra trong bối cảnh tình hình xung đột ở Bờ Tây giữa người định cư Do Thái và người Palestine ngày càng gia tăng những ngày gần đây.
Vào giữa tháng 2 vừa qua, AL đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên quan vấn đề Palestine tại Cairo, với sự có mặt của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi, Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Tại sự kiện, Tổng thống El-Sisi nhắc lại việc Ai Cập bác bỏ và lên án bất kỳ biện pháp nào của Israel nhằm thay đổi hiện trạng lịch sử và pháp lý của thành phố Jerusalem và các khu vực tôn giáo linh thiêng của thành phố này.
Ông El-Sisi cũng lên án các biện pháp đơn phương và vi phạm luật pháp quốc tế bao gồm xây dựng các khu định cư Do Thái, phá dỡ nhà cửa, buộc phải di dời, tịch thu đất đai của người Palestine, Do Thái hóa có hệ thống Jerusalem và xâm nhập bất hợp pháp nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa.
Nhà lãnh đạo Ai Cập cũng đề cập các cuộc tấn công liên tục vào các thành phố của Palestine, làm leo thang căng thẳng trên thực địa và đe dọa tình hình an ninh.
Theo ông, các nghị quyết quốc tế bảo vệ tình trạng pháp lý của Jerusalem, bao gồm việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không công nhận bất kỳ thay đổi nào đối với đường biên giới năm 1967, kể cả liên quan Jerusalem, ngoại trừ những gì đã được thống nhất thông qua đàm phán.
Trong một diễn biến khác liên quan, cùng ngày 6/3, tại cuộc gặp Chủ tịch Thượng viện Jordan Faisal Al-Fayez đang ở thăm Cairo, Chủ tịch Hạ viện Ai Cập Hanafi Gebaly nói rằng, hai nước sẽ cố gắng hết sức để đạt được một giải pháp công bằng và lâu dài cho chính nghĩa của người Palestine và thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Ông Gebaly nói thêm: "Ai Cập và Jordan có mối quan hệ từ trong lịch sử và hai nước đang phối hợp ở tất cả các cấp độ nhằm tìm kiếm giải pháp cho sự nghiệp của người Palestine. Ai Cập và Jordan cũng bác bỏ mọi hình thức can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia Arab".
Về phần mình, ông Al-Fayez nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho chính nghĩa của người Palestine thông qua đàm phán.