📞

Hội hè và hội nhập

14:00 | 31/12/2017
Bắt đầu từ một bài viết của cô nhà văn trẻ ủng hộ gộp Tết hồi đầu năm, cuộc tranh luận Tết Tây - Tết Ta diễn ra âm ỉ suốt 12 tháng qua và thi thoảng bùng lên vào những dịp hội hè.

Những người muốn gộp Tết cho rằng, người Việt Nam có quá nhiều kỳ nghỉ trong năm; thời gian nghỉ Tết Nguyên đán ảnh hưởng tới cơ hội giao thương với nước ngoài; Tết ngày càng “nhạt”, nhiêu khê nên không cần cố giữ làm gì…

Nhiều người còn lấy dẫn chứng về Nhật Bản - quốc gia đã quyết định ăn tết âm theo dương lịch, kể từ  năm 1872.

Gộp Tết đã từng là quan điểm gây tranh cãi từ cách đây nhiều năm. (Nguồn: Kênh 14)

Người dân Việt Nam mỗi năm nghỉ lễ tổng cộng 15 ngày. Theo thống kê của trang du lịch Wego, nước ta có số ngày nghỉ trung bình so với các quốc gia trên thế giới, ngang với Nhật Bản, Malaysia, Argentina, Thụy Điển… Những quốc gia “nghỉ ngơi” nhiều nhất là Ấn Độ (21 ngày), Philippines (18 ngày), Trung Quốc (17 ngày)… đều có nền kinh tế phát triển hơn chúng ta. Đó là còn chưa kể tới có những nước mà người dân chỉ phải làm việc 4-6 tiếng/ngày.

Tại sao họ nghỉ nhiều, làm ít vậy mà vẫn giàu?

Đó là bởi thái độ, tốc độ và năng suất quan trọng hơn nhiều so với số ngày và số giờ làm việc. Nhật Bản trở thành một biểu tượng trên thế giới là nhờ người dân làm việc rất nghiêm túc chứ chẳng phải do bỏ Tết âm lịch. Chừng nào chúng ta còn chưa nâng cao được tay nghề, chưa giải quyết được tình trạng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”…, thì có đi làm đủ 365 ngày cũng là vô ích.

Những người có quan điểm "Tết nguyên đán là Tết theo lịch của Trung Hoa, chẳng phải cổ truyền” thì quả là thiếu thuyết phục. Dương lịch là lịch của La Mã, được người Pháp đem vào Việt Nam cuối thế kỷ 19. Vậy chẳng thể coi đó là truyền thống. Âm không được. Dương cũng chẳng xong. Vậy dân tộc ta còn cái Tết gì?

“Nước ngoài nghỉ tết Tây thì chúng ta không nên nghỉ tết Ta” – đó cũng là một thái độ vong ngoại không đáng có. Vì lịch sử phát triển, vị trí địa lý, khí hậu… mà mỗi nước có một nền văn hóa, bản sắc riêng, đáng quý như nhau. Chúng ta tôn trọng những ngày lễ Phục sinh, Tạ ơn, Lao động… của nước ngoài thì họ cũng tôn trọng những kỳ nghỉ của chúng ta. Hội nhập là gắn kết các nền kinh tế thông qua lao động chứ không phải xóa bỏ bản sắc để biến mình thành người khác.

Giả sử, nếu doanh nghiệp có giao thương với nước ngoài trong những ngày lễ tết, họ vẫn có thể cho nhân công làm việc theo thỏa thuận. Luật pháp Việt Nam có quy định chuyện lao động trong khoảng thời gian này, với điều kiện phải trả lương gấp ba lần. Vì thế, Tết cổ truyền chẳng thể nào là vật cản cho quá trình hợp tác quốc tế.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hơn 4.500 trường hợp nhập viện vì ẩu đả chỉ trong… 6 ngày nghỉ Tết Nguyên Đán 2017, trên 800 trường hợp có liên quan đến rượu bia. Cùng kỳ năm 2016, cả nước có 3400 người nhập viện vì đánh nhau.

Tôi phải thừa nhận, càng ngày càng có nhiều hoạt động vui chơi, hội hè biến tướng trong những ngày Tết Nguyên Đán. Nhưng Tết âm lịch có từ nghìn đời nay và trước đây, chúng ta đâu có ăn Tết kiểu “xàm xí” như vậy. Tết không có lỗi mà rõ ràng đó là lỗi của người ăn Tết.

Nếu không có suy nghĩ và lối sống văn minh hơn, khi gộp hai thứ Tết, dân ta vẫn sẽ bù khú và ăn chơi dông dài như vậy mà thôi. Xã hội vẫn phải đối mặt với “cơn ác mộng” tai nạn. Doanh nghiệp vẫn sẽ phải đau đầu “giải bài toán”: Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Chỉ có một khác biệt duy nhất là Tết Nguyên đán diễn ra sớm hơn vài chục ngày.

Như đã nói ở trên, nước ta có hội nhập hay không phụ thuộc vào thái độ làm việc, chất lượng làm việc của người lao động chứ chẳng phải nghỉ ít đi vài ngày trong năm. Trên trường quốc tế, chúng ta càng giữ được bản sắc, sẽ càng được bạn bè tôn trọng. Nếu có điều gì thay đổi, nên chăng, chúng ta hãy thay đổi về văn hóa ăn Tết để an toàn và thích hợp hơn với nhịp sống hiện đại hơn.

Đánh mất truyền thống để giống các nước văn minh, chắc chắn không thể là cách thức tốt để hội nhập.