Đại hội Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia có sự tham dự của gần 300 đại biểu, đại diện cho các tỉnh/thành Hội, các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội trên toàn quốc, cựu chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, doanh nghiệp... theo hình thức trực tiếp và trực tuyến qua 47 điểm cầu.
Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. |
Đại hội vinh dự có bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đến tham dự và phát biểu chỉ đạo. Khách mời Đại hội có ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Liên lạc Cựu chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia; bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương
Đại hội còn có đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể: Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đại diện các cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh...
Bà Kiti Songha Bondith Men Sam An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Campuchia tham dự trực tuyến.
Báo cáo tổng kết, đánh giá công tác Hội nhiệm kỳ IV 2015-2020 cho thấy, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia luôn quán triệt đường lối đối ngoại của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước trong công tác đối ngoại. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Hội đã quán triệt sâu sắc phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” trong việc mở rộng, đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia.
Nhiều hoạt động thiết thực góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia đã được Trung ương Hội và Hội hữu nghị ở các địa phương, các đơn vị trực thuộc Trung ương Hội triển khai có hiệu quả.
Hội đã chủ động, tích cực vận động các nguồn tài trợ, nhằm xã hội hóa các hoạt động, hướng đến các đối tượng là người dân nghèo Campuchia, người gốc Việt tại Campuchia đang gặp khó khăn. Đặc biệt trong thời gian 2 nước đối mặt với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Hội đã vận động nguồn xã hội hóa để triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ tới nước bạn.
Chương trình “Ươm mầm hữu nghị” đỡ đầu học sinh, sinh viên Campuchia đang học tại Việt Nam đã được triển khai rộng rãi, đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 300 em sinh viên Campuchia được nhận đỡ đầu ở các tỉnh phía Bắc và 149 em ở các tỉnh thành phía Nam.
Hội cũng đã quan tâm củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức rộng khắp, nhất là ở các địa phương có chung đường biên giới với Campuchia trong lực lượng cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia.
Tân Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia Nguyễn Thị Thanh. (Ảnh: T.V) |
Trên cơ sở đánh giá kết quả hoạt động, rút ra bài học kinh nghiệm, Hội đã đề ra phương hướng và giải pháp nhằm củng cố tổ chức, tăng cường năng lực, tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hội nhiệm kỳ tiếp theo với 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó nhiệm vụ nổi bật xuyên suốt là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục theo chiều sâu cho hội viên và nhân dân hai nước về tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc.
Hội tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức Hội các cấp và câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia nhằm xây dựng các hướng đi phát triển kinh tế hiệu quả cho 2 đất nước cũng như nâng cao hiệu quả sự hỗ trợ các tỉnh, thành, đặc biệt là các địa phương có chung đường biên giới với Campuchia.
Ngoài ra, Hội tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình “Ươm mầm hữu nghị” để giúp đỡ và tạo điều kiện cho các em học sinh, sinh viên hiểu hơn về phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của đất nước Việt Nam. Trong diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19, Hội cần đổi mới phương thức hoạt động qua các kênh thông tin đa phương tiện để hoạt động được liên tục, thường xuyên và hiệu quả.
Bà Kiti Songha Bondith Men Sam An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam phát biểu trực tuyến. (Ảnh: T.V) |
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia đã bầu Ban Chấp hành gồm 140 Ủy viên, Ban Lãnh đạo gồm Chủ tịch, 10 Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký, Ban Kiểm tra Hội gồm 3 Ủy viên.
Đặc biệt, Đại hội đã bầu bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương giữ chức Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2021-2026.
Tân Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia bày tỏ niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao; cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các đại biểu… đã tin tưởng giao nhiệm vụ; đồng thời hứa sẽ nỗ lực cùng tập thể ban chấp hành thực hiện tốt nhiệm vụ và phương hướng hoạt động được đại hội thông qua.
Chúc mừng Đại hội và ghi nhớ tình cảm hữu nghị giữa hai nước, bà Kiti Songha Bondith Men Sam An cũng mong muốn hai Hội tiếp tục thực hiện những nội dung hợp tác trong thỏa thuận đã ký tháng 12/2015, nhằm hợp tác, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục cho các hội viên và nhân dân hai nước về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia.
Các đại biểu tham dự Đại hội chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: T.V) |
Nhân dịp này, Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Nhà nước Việt Nam, 18 cá nhân của Hội nhận Huân chương Hữu nghị của Chính phủ Hoàng gia Campuchia.
Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng trao 6 kỷ niệm chương, 10 bằng khen và Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia đã trao thưởng và tri ân cho 22 đơn vị và cá nhân.