Sáng 12/10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đã diễn ra tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Ngô Xuân Lịch chủ trì Hội nghị.
Về phía đoàn Việt Nam có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ADSOM+ Việt Nam; đại biểu lãnh đạo các đơn vị, cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng; các quan sát viên gồm Đại sứ, Tùy viên Quốc phòng/Tùy viên Quân sự các nước ASEAN và các nước đối tác cũng đã góp mặt tại Hội nghị.
Tham dự trực tuyến có Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, 8 nước đối tác gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, cùng Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi.
Toàn cảnh cuộc họp ADMM+ tại đầu cầu Hà Nội. (Ảnh: Minh Quân) |
Phát biểu khai mạc ADMM+, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhận định, bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 cản trở việc gặp gỡ trực tiếp, ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội các nước ASEAN và đối tác, khiến nhiều thể chế đa phương gặp thách thức.
Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng giữa ASEAN và các nước đối tác vẫn tiếp tục là một điểm sáng. Kênh quốc phòng đã thể hiện được vai trò tích cực của mình, không chỉ trong tham gia phòng chống dịch bệnh từ quân đội của mỗi nước, mà còn trong hợp tác khu vực. Với tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, sự giúp đỡ từ nền tàng kỹ thuật số hiện đại, các bên vẫn duy trì trao đổi và hợp tác thường xuyên giữa Bộ Quốc phòng và Quân đội các nước.
Những sáng kiến được triển khai đã đóng góp duy trì đà hợp tác trong ASEAN và giữa ASEAN và các nước đối tác. Trong ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã ra được Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng phòng chống dịch bệnh lan truyền tháng 2/2020, làm cơ sở để diễn tập trực tuyến về phòng chống đại dịch Covid-19 tháng 5/2020.
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng ASEAN và đối tác tham dự Hội nghị. (Ảnh: Minh Quân) |
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng cho biết, Hội nghị ADMM ngày 9/12 được tổ chức thành công với nhiều sáng kiến, tài liệu, quy trình hoạt động chuẩn được thông qua.
Năm 2020 là năm kỷ niệm 10 năm thiết lập cơ chế ADMM+, cũng là năm các nhóm chuyên gia ADMM+ đánh giá tổng kết hoạt động của chu kỳ 2017 – 2019 và lập kế hoạch cho chu kỳ mới. Thêm vào đó, ADMM+ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi nó là sự kiện cấp Bộ trưởng cuối cùng được tổ chức trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Do đó, đây là sự kiện để các bên có thể thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt là ASEAN phải đối mặt, đồng thời thống nhất về các định hướng hợp tác cho kênh quốc phòng trong thời gian tới.
Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và đối tác đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN, thể hiện rõ qua kết quả Hội nghị ADMM ngày 9/12, hành động cụ thể của các bên trong việc chủ động duy trì, tăng cường hợp tác.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Minh Quân) |
Nhận định về tình hình thế giới và khu vực, các bên nhất trí rằng khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cả truyền thống và phi truyền thống như an ninh biển, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,...có nguy cơ ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định của khu vực. Các nước ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch thống nhất quan điểm cần xử lý các vấn đề còn khác biệt, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ, bao gồm tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Những tranh chấp trên Biển Đông chỉ có thể được xử lý hiệu quả trên tinh thần hữu nghị, thực tâm hợp tác, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên (DOC) trên Biển Đông, đồng thời sớm kết thúc đàm phán và ra được Bộ Quy tắc về Ứng xử của các bên (COC) trên Biển Đông thực chất và hiệu quả.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher C. Miller phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Minh Quân) |
Cuối Hội nghị, lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và đối tác đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung. Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhận định, việc các nước thông qua Tuyên bố chung của ADMM+ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và Kỷ niệm 10 năm thành lập ADMM+, đồng thời thể hiện thống nhất cao, cam kết và quyết tầm của các quốc gia thành viên ADMM+ trong tăng cường hợp tác quốc phòng, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới.
Những tranh chấp trên Biển Đông chỉ có thể được xử lý hiệu quả trên tinh thần hữu nghị, thực tâm hợp tác, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên (DOC) trên Biển Đông; sớm kết thúc đàm phán và ra được Bộ Quy tắc về Ứng xử của các bên (COC) trên Biển Đông thực chất và hiệu quả. |
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng tiến hành chuyển giao vai trò Chủ tịch Hội nghị ADMM+ cho Bộ trưởng Quốc phòng Brunei Darussalam, nước chủ nhà ASEAN năm 2021.
Phát biểu tại Lễ bàn giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch tin tưởng, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2021, Brueni Darussalam sẽ tiếp tục phát huy tinh thần “hợp tác quốc phòng vì một ASEAN gắn kết vả chủ động thích ứng” trong ADMM và ADMM+; không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia thành viên ADMM+ sẽ tích cực ủng hộ Brunei Darussalam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2021.