Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Luna và Bộ trưởng Bộ Thương mại Ferreyros của nước chủ nhà Peru, Hội nghị đã tiến hành phiên thảo luận thứ 4 về phát triển con người, một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác APEC hiện nay.
Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, sáng tạo, đào tạo kỹ năng nghề, văn hóa kinh doanh, công nghệ thông tin… đối với phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. |
Hội nghị cho rằng APEC cần ưu tiên cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục, bảo đảm việc làm bền vững và chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và người khuyết tật. Các Bộ trưởng hoan nghênh Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục APEC lần thứ 6 tổ chức tháng 10/2016 và nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng.
Với tư cách quan sát viên APEC, các đại diện của ASEAN, Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) đánh giá cao việc tăng cường phối hợp giữa APEC với các tổ chức khu vực và đề nghị cùng thúc đẩy hợp tác trong tăng trưởng và phát triển bền vững và xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020.
Phát biểu về phát triển con người, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ công nghệ số đang là động lực làm thay đổi căn bản các ngành nghề, thúc đẩy kinh tế thế giới chuyển đổi nhanh hơn bao giờ hết.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, APEC cần đẩy mạnh hợp tác giáo dục, kết nối số, nhất là ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Phó Thủ tướng khẳng định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba biện pháp ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để thực hiện để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, APEC cần đẩy mạnh hợp tác giáo dục, kết nối số, nhất là ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, trao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái. |
Tiếp đó, Hội nghị đã tiến hành phiên họp về việc chuẩn bị cho Năm APEC 2017 tại Việt Nam vào năm 2017. Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được mời phát biểu chính tại phiên họp.
Khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng cho các sự kiện của APEC trong năm 2017, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" mà Việt Nam đề xuất cho Năm APEC 2017 là xuất phát từ quan tâm chung của APEC cần thêm “động lực mới” để thúc đẩy hội nhập, liên kết trong bối cảnh mới, vì duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở khu vực.
Dự kiến khoảng 200 hoạt động, trong đó có 8 hội nghị cấp Bộ trưởng và tương đương, sẽ tổ chức trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam. Tuần lễ Cấp cao lần thứ 25, sự kiện quan trọng nhất trong Năm APEC 2017, sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.
Hội nghị đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Việt Nam về mọi mặt và hoan nghênh ý nghĩa của chủ đề do Việt Nam đề xuất. Các thành viên bày tỏ tin tưởng Năm APEC 2017 sẽ góp phần làm cho hợp tác, liên kết khu vực sâu rộng hơn và nâng cao vị thế của APEC trong giai đoạn mới.
Cùng ngày, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 28 đã kết thúc với việc thông qua Tuyên bố chung về các biện pháp thúc đẩy hợp tác APEC. Các kết quả và văn kiện của Hội nghị sẽ được trình lên các nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 họp trong hai ngày 19 và 20/11.
* Cũng trong ngày 18/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với nhiều đối tác, trong đó có Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Papua New Guinea...
Các nước nhất trí cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương và tiếp tục phối hợp chặt chẽ để Năm APEC Việt Nam 2017 thành công. Papua New Guinea khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác trong khuôn khổ APEC nhằm bảo đảm tính tiếp nối, duy trì những kết quả quan trọng đạt được trong năm APEC Việt Nam 2017 và năm APEC Papua New Guinea 2018.