Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 6 nước chung dòng sông Mekong-Lan Thương gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.
Hội nghị tập trung đánh giá tình hình triển khai kết quả của Hội nghị cấp cao Mekong-Lan Thương lần thứ nhất (tháng 3/2016 tại Hải Nam, Trung Quốc) và thảo luận về định hướng hợp tác thời gian tới.
Các Bộ trưởng Ngoại giao dự Hội nghị Mekong - Lan Thương lần thứ hai tại Siem Reap, Campuchia. |
Các Bộ trưởng ghi nhận những kết quả tích cực mà Hợp tác Mekong-Lan Thương đã đạt được như: định hình cơ cấu và nội dung hợp tác với ba trụ cột (an ninh-chính trị, kinh tế và phát triển bền vững, văn hóa xã hội và giao lưu nhân dân) và năm lĩnh vực ưu tiên (nguồn nước, hợp tác năng lực sản xuất, kết nối, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và giảm nghèo); thành lập các nhóm công tác chuyên ngành để triển khai các dự án cụ thể; hoàn thành một số dự án “thu hoạch sớm” như Chương trình giao lưu cán bộ, Diễn đàn Phụ nữ, Diễn đàn các thành phố du lịch Mekong-Lan Thương.
Về hợp tác thời gian tới, các Bộ trưởng nhất trí sớm xây dựng Kế hoạch Hành động 5 năm để duy trì đà phát triển và động lực của cơ chế hợp tác; khởi động Quỹ Hợp tác Mekong-Lan Thương đặc biệt (với Trung Quốc đóng góp 300 triệu USD) để hỗ trợ các nước thực hiện các dự án/chương trình hợp tác; nâng cao hiệu quả công tác thông tin và phối hợp giữa các nước thành viên và giữa các bộ, ngành và địa phương thông qua thành lập bộ phận điều phối quốc gia tại mỗi nước; đẩy nhanh việc thực hiện các dự án “thu hoạch sớm” đã được thông qua và khởi động xây dựng danh mục dự án “thu hoạch sớm” đợt hai.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Hợp tác Mekong-Lan Thương cần tập trung vào việc tăng cường hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, cân bằng và hài hòa lợi ích cũng như trách nhiệm giữa các nước ven sông để bảo đảm sự phát triển bền vững của khu vực.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị cơ chế Mekong-Lan Thương cần chú trọng thúc đẩy kết nối khu vực, ưu tiên hỗ trợ các nước thành viên thực hiện các dự án hạ tầng lớn, phát triển các hành lang kinh tế liên quốc gia và nâng cao năng lực thực thi các chính sách tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Phó Thủ tướng cho rằng Hợp tác Mekong-Lan Thương cần tăng cường hợp tác phát triển nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và có khả năng cạnh tranh; hỗ trợ các nước áp dụng công nghệ tiên tiến và hình thành chuỗi giá trị về nông nghiệp tại khu vực; và khẳng định các dự án Mekong-Lan Thương cần hài hòa lợi ích của tất cả các nước thành viên và có sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa các cơ quan liên quan.
Nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp liên quan đến sông Mekong-Lan Thương, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề xuất thiết lập đường dây nóng giữa 6 nước ven sông để kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý các tình huống khẩn cấp như xả lũ đột ngột, hạn hán, tai nạn gây ô nhiễm nguồn nước.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị thành lập nhóm công tác (ad hoc) để nghiên cứu biện pháp thúc đẩy phối hợp giữa Hợp tác Mekong-Lan Thương và Ủy hội Mekong (MRC - tổ chức gồm 4 nước hạ nguồn sông Mekong là Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam), nghiên cứu các yêu cầu và triển vọng của việc Trung Quốc và Myanmar trở thành thành viên MRC.
Kết thúc hội nghị, các Bộ trưởng đã thông qua Thông cáo báo chí chung của Hội nghị, Bảng tổng hợp tình hình thực hiện các dự án “thu hoạch sớm,” và Nguyên tắc chung về thành lập các nhóm công tác chuyên ngành. Các Bộ trưởng cũng nhất trí tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Lan Thương lần thứ 3 tại Trung Quốc trong năm 2017.