Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 4 diễn ra theo hình thức trực tuyến, ngày 15/10. (Nguồn: Molisa) |
Cuộc họp được tổ chức 3 năm/lần để các bộ trưởng thảo luận và định hướng việc thúc đẩy hợp tác về đảm bảo bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong khu vực.
Với chủ đề “Nền kinh tế kỹ thuật số và Bao trùm tài chính để cải thiện khả năng cạnh tranh của phụ nữ ASEAN", AMMW-4 nhằm trao đổi về các giải pháp cấp quốc gia và khu vực về nâng cao khả năng cạnh tranh của phụ nữ thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm.
Tham dự cuộc họp có 10 Bộ trưởng/Trưởng đoàn của các nước ASEAN phụ trách vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, Tổng Thư ký ASEAN, các đoàn đại biểu đến từ các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự cùng đại diện các bộ, ngành liên quan gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Hội Liên hiệp Phụ nữ và một số lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ.
Với vai trò là Chủ tịch của AMMW giai đoạn 2018-2021, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có bài chia sẻ về những nỗ lực và thành tựu của hợp tác ASEAN trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong nhiệm kỳ do Việt Nam làm Chủ tịch kể từ Cuộc họp lần thứ 3 năm 2018.
Qua 3 năm làm Chủ tịch AMMW với chủ đề “An sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái hướng tới Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025”, thực tế đã cho thấy tính kịp thời và cấp bách của việc nhấn mạnh các khía cạnh giới của an sinh xã hội.
Theo ông Đào Ngọc Dung, với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, việc nâng cao khả năng tiếp cận cho phụ nữ và trẻ em gái với các biện pháp an sinh xã hội có chất lượng và đáp ứng giới đã trở nên cấp thiết, góp phần đảm bảo ổn định xã hội trong tình huống dịch bệnh”.
Các Bộ trưởng/ Trưởng đoàn chúc mừng Việt Nam đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch của AMMW giai đoạn 2018-2021 với nhiều thử thách và biến động.
Đại diện các nước cũng đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW) trong việc hoàn thành Kế hoạch Công tác của ACW giai đoạn 2016-2020, xây dựng Kế hoạch Công tác ACW giai đoạn 2021-2025 và thúc đẩy hoạt động trong các lĩnh vực về tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ, thay đổi quyền năng kinh tế cho phụ nữ và bảo vệ phụ nữ trong các tình huống dễ bị tổn thương.
Tại cuộc họp, các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã chia sẻ quan điểm về các giải pháp cấp quốc gia và khu vực về nâng cao khả năng cạnh tranh của phụ nữ thông qua kỹ thuật số và tài chính bao trùm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao chủ đề của Cuộc họp do Indonesia lựa chọn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang khiến cho việc chuyển đổi số và tự động hóa diễn ra nhanh chóng, ảnh hưởng đến sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế.
Việt Nam khẳng định cam kết thúc đẩy thực hiện công tác bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền năng kinh tế. Điều này đã được thể hiện trong những tiến bộ về lồng ghép giới trong các luật pháp, chính sách cũng như ứng dụng công nghệ số trong nhiều lĩnh vực nhằm góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và vị thế của phụ nữ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ về các gói hỗ trợ được Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với người lao đông, đặc biệt là lao động nữ mang thai; nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; các nhóm đối tượng mà trong đó phụ nữ chiếm đa số như lao động tự do, hộ kinh doanh, viên chức hoạt động nghệ thuật.
Việt Nam đề nghị các quốc gia thành viên ASEAN cần có những biện pháp tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng số của phụ nữ, đồng thời, chú trọng đến việc phổ cập công nghệ số và tích lũy các kỹ năng cần thiết cho trẻ em gái, góp phần đảm bảo sự thành công của thế hệ tiếp theo.
Các Bộ trưởng/Trưởng đoàn đã ra Tuyên bố chung của Cuộc họp AMMW-4 trong đó khuyến khích các nước thành viên ASEAN thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao khả năng hưởng lợi của phụ nữ và trẻ em gái từ các cơ hội do chuyển đổi số mang lại.
Cũng tại cuộc họp, Việt Nam đã chuyển giao chức Chủ tịch AMMW giai đoạn 2021-2023 cho Indonesia.
Những thành tựu chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch AMMW của Việt Nam giai đoạn 2018-2021Thứ nhất, hợp tác của ASEAN về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã nâng lên một tầm cao mới. Ủy ban Phụ nữ ASEAN đã tập trung vào các chính sách cụ thể, bao gồm: Tăng cường khả năng phục hồi của phụ nữ trẻ với tư cách là tác nhân của sự thay đổi trong bối cảnh mới; thúc đẩy vai trò lãnh đạo và sự tham gia chính trị của phụ nữ; và nền kinh tế kỹ thuật số và hòa nhập tài chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của phụ nữ ASEAN. Thứ hai, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mà các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN giao trong việc thúc đẩy lồng ghép giới trên ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN như đề cập trong Tuyên bố về việc thực hiện có đáp ứng giới Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Thứ ba, quan hệ đối tác được triển khai có hiệu quả nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong khu vực. Tăng cường quan hệ đối tác với các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, các đối tác đối thoại của ASEAN và các tổ chức liên kết với ASEAN như Mạng lưới Doanh nhân Nữ ASEAN, UN Women, các cơ quan khác của Liên hợp quốc và các bên liên quan khác nhằm thực hiện những ưu tiên đã đề ra. Thứ tư, ứng phó mạnh mẽ với những thách thức phát sinh từ bối cảnh xã hội đang thay đổi do đại dịch Covid-19 và những thách thức khác mang lại. |
| Tổng thống Nga: Phụ nữ hiện đại không nên lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình Phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề mà quốc gia cũng như xã hội gặp phải. ... |
| Trang phục của phụ nữ trong hoạt động đối ngoại Bên cạnh trang phục dân tộc, phụ nữ thường sử dụng âu phục khi hoạt động đối ngoại như váy công sở với áo sơ ... |