📞

Hội nghị Brussels về Syria: Cứu người, giúp mình

09:52 | 05/04/2017
Việc Liên minh châu Âu (EU) tích cực tài trợ và ủng hộ một giải pháp chính trị lâu dài cho Syria cũng nhằm mục đích giảm thiểu những áp lực an ninh - chính trị đang đè nặng khối này.

Ngày 5/4, Hội nghị “Xây dựng tương lai Syria và khu vực” diễn ra tại Brussels (Bỉ) dưới sự đồng chủ trì của EU, Liên hợp quốc (LHQ), Đức, Kuwait, Na Uy, Qatar và Anh. Đây là hội nghị thường niên của các nhà tài trợ cho Syria, quy tụ khoảng 70 đại diện cấp Bộ trưởng từ các nước thành viên EU, các quốc gia Trung Đông cũng như nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.

Tái khẳng định cam kết

Hội nghị lần này tập trung bàn luận tình hình Syria và ảnh hưởng của vấn đề này tới khu vực Trung Đông nói riêng, quan hệ quốc tế nói chung. Đặc biệt, đây là dịp quan trọng để khẳng định lại cam kết đóng góp tài chính của các nước nhằm chung tay giải quyết thảm họa nhân đạo đang diễn ra tại Syria.

Số lượng người Syria tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ là 2,5 triệu, Lebanon 1 triệu, Jordan 600.000, Iraq 400.000, Ai Cập 100.000. (Nguồn: UNDP.org)

Trước đó, hội nghị năm 2016 tại London (Anh) đã gây quỹ được hơn 11 tỷ USD để giải quyết các nhu cầu thiết yếu của người dân Syria trong 4 năm tiếp theo. Chính vì vậy, nhiều người kỳ vọng hội nghị lần này có thể làm được điều tương tự. Ngoài ra, các nhà tổ chức cũng mong muốn các bên tham gia có thể ủng hộ một giải pháp chính trị lâu dài cho xung đột tại Syria.

Đất nước Syria lâm vào cảnh nội chiến từ đầu năm 2011, khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành trấn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Kể từ đó, hơn 250.000 người đã thiệt mạng vì xung đột, trong khi 10 triệu người dân Syria phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, theo số liệu của LHQ.

Do sử dụng nguồn tài chính khổng lồ cho cuộc chiến, ngân khố của Syria đã cạn kiệt, trong khi nguồn hỗ trợ kinh tế từ đồng minh chủ chốt khu vực là Iran ngày một suy giảm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Trung Đông này từng đạt mức 60 tỷ USD năm 2010, song con số này trong năm 2016 đã giảm hơn một nửa còn 27 tỷ USD (tính theo giá năm 2010). Giáo sư kinh tế Omar Dahi (Đại học Hampshire, Mỹ) nhận định đây là một trong những thiệt hại lớn nhất về GDP do xung đột gây ra kể từ sau Thế chiến thứ Hai.

EU khẳng định vai trò

Trong bối cảnh khó khăn kể trên, hội nghị tại Brussels được cho là tia hy vọng cho đất nước Syria, nhất là khi hòa đàm về Syria lần thứ 5 ở Geneva (Thụy Sỹ) kết thúc ngày 1/4 mà không đạt kết quả gì rõ rệt. Các bên liên quan trực tiếp như Chính phủ Syria của Tổng thống al-Assad, lực lượng nổi dậy hay các cường quốc “ủy nhiệm” như Nga và Mỹ đều không đạt nhất trí trong các vấn đề từ chia sẻ quyền lực giữa Damascus và lực lượng nổi dậy, hiến pháp do Nga soạn thảo đến bầu cử sớm ở Syria hay chống khủng bố.

Hội nghị lần này do EU chủ trì cũng là cơ hội cho Liên minh lấy lại vai trò chủ động trong xung đột Syria, trong bối cảnh Mỹ trở nên thận trọng hơn. Vài năm gần đây, EU - đặc biệt là Đức, Anh – luôn là những “mạnh thường quân” lớn nhất cho Syria, chủ yếu trên các lĩnh vực cung cấp thực phẩm, giáo dục và việc làm cho người dân Syria tại chính nước này hoặc các quốc gia lân cận, nơi có người Syria tới tị nạn.

Về phía Mỹ, tại cuộc họp quan trọng ở Geneva vừa qua, Washington chỉ cử một thứ trưởng ngoại giao tham dự và cũng không có nhiều đóng góp thảo luận. Sự “hờ hững” này cũng là điều dễ hiểu khi trong các cuộc họp trước đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là người xây dựng và dẫn dắt cả quá trình đàm phán. Trong khi đó, người kế nhiệm ông Kerry - Ngoại trưởng đương nhiệm Rex Tillerson đã bỏ lỡ hai cuộc họp gần đây nhất với tuyên bố rằng Mỹ không còn ưu tiên việc lật đổ Tổng thống al-Assad như trước.

Cuối cùng, việc EU thúc đẩy quá trình hỗ trợ nhân đạo và tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Syria là động thái giảm tải áp lực cho chính khối này. Nếu như vấn đề Syria sớm được giải quyết và dòng người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ quay trở về nước, Ankara sẽ chẳng còn quân bài nào có thể đe dọa Brussels và đòi kết nạp họ vào Liên minh nữa. Quan trọng hơn, việc giải quyết nhanh chóng vấn đề Syria cũng như dòng người di cư sẽ làm giảm tình trạng bất ổn an ninh đang xảy ra ở châu Âu, điều ám ảnh người dân “lục địa già” trong thời gian gần đây.

Có thể nói, hội nghị các nhà tài trợ cho Syria chỉ là một trong nhiều giải pháp cho cuộc nội chiến đang bước sang năm thứ bảy, nhưng ít ra điều này cho thấy cộng đồng quốc tế, đặc biệt là EU, có trách nhiệm và sẻ chia với người dân nước này - những con người vô tội đã mất mát quá nhiều và đang chật vật đối mặt với một tương lai mờ mịt. Dù vậy, hành động của cộng đồng quốc tế cũng có giới hạn. Mấu chốt giải quyết vấn đề Syria vẫn nằm trong tay các bên xung đột trực tiếp, cụ thể là chính quyền Damascus và các phe phái nổi dậy. Nếu họ không thể giải quyết những bất đồng chính trị cũng như chấm dứt giao tranh trên thực địa, người dân Syria không thể sớm có hòa bình.